Nhóm Facebook Phụ Huynh Newton Nhóm Zalo Phụ Huynh Newton

CÓ NÊN HỌC TRƯỜNG CÔNG?

Nhóm Zalo Phụ huynh Newton 03: https://zalo.me/g/eacish207

Phụ huynh vui lòng liên hệ Zalo: 0971661988 để nhận đầy đủ thông tin tư vấn tuyển sinh về trường Newton tại đây

CÓ NÊN HỌC TRƯỜNG CÔNG?

Phần 1

Việc chọn trường, vốn là một việc quan trọng đối với hầu hết các gia đình. Vì thế, nó cũng là một đề tài nóng, gây tranh cãi.

Bài viết này của mình, chỉ là 1 góc nhìn, chia sẻ quan điểm và những phân tích của mình để các bạn tham khảo. Các bạn hoàn toàn có thể phản biện, miễn là đừng nặng lời, đừng dùng từ ngữ hằn học, kết án, hoặc tấn công người khác.

Nên chọn trường nào?

Với tư duy thực tiễn của mình, mình cho rằng: chọn trường nào thì tuỳ vào túi tiền của cha mẹ.

Cta có 3 loại trường:

  • Trường công, hoặc trường công lập tự chủ tài chính

  • Trường tư, trường song ngữ, hoặc còn gọi là quốc tế “nữa chừng xuân”

  • Trường quốc tế 100%


Mình đi làm nhiều năm, làm thuê làm chủ đều đã trải qua, đầu tư công sức hay đầu tư tiền bạc mình đều đã nếm. Mình đúc kết 1 câu: Không có sự đầu tư nào có lãi bằng đầu tư cho giáo dục. Không chỉ lãi bằng tiền bạc tài chính (tiền lương, thu nhập); mà còn là lợi ích về tinh thần (tư cách, phẩm giá, đạo đức, lối sống, hạnh phúc…). Một người có giáo dục, được giáo dục tốt, thì chắc chắn sẽ có cuộc sống vật chất tốt và tinh thần tốt hơn những người ít học.

Vì vậy, tiền bạc mà mình làm ra, ngoài việc sử dụng cho các nhu cầu cơ bản, thì mình luôn luôn ưu tiên cho giáo dục.

Nên chi bao nhiêu % thu nhập cho việc học của con? Điều này tuỳ thuộc vào thu nhập và sự tích luỹ tài sản của bạn.

  • Không bao giờ nên vay tiền cho con học trường tư, trường quốc tế.

  • Không bao giờ nên chơi “tất tay”, bán hết tài sản để cho con đi du học, hoặc học trường quốc tế.

  • Nếu bạn đã có 1 vài miếng đất, đủ tiền dự trù cho việc học ĐH, hoặc đi du học. Thì bạn hoàn toàn có thể chi đến 50% thu nhập hàng tháng cho giáo dục

  • Nếu bạn còn trẻ, con còn nhỏ, mà tài sản cũng chưa có tích luỹ, thì bạn cần có tầm nhìn xa. Chỉ nên dùng trung bình 20% – 30% thu nhập cho giáo dục. Không nên chi nhiều hơn 30%. Trong tổng chi phí 30% đó, bạn phải dự trù cho học phí trường công + tiền việc học thêm.

  • Học phí trường công, nếu so với chi phí học thêm, thì chỉ bằng ½ thôi. Vì vậy, nếu bạn dành 30% cho việc học hành, thì bạn chỉ nên đóng tối đa 15% cho trường. 15% còn lại, bạn phải dành cho học thêm, đặc biệt là học thêm Tiếng Anh và 1 vài kỹ năng, thể thao, nghệ thuật…


Nếu tổng thu nhập gia đình là 20 triệu (chồng 10 + vợ 10) thì bạn chỉ nên chi tối đa 6 triệu cho một em bé. Nếu bạn có 2 em bé, thì chỉ nên chi tối đa 20% cho một bé, 2 bé là 40%.

Nhà có 2 con thì bạn cần cân đối đầu tư. Bé nhỏ thì tự học bằng app, cha mẹ tự kèm, tự hướng dẫn. Chỉ đầu tư cho bé lớn những gì cần thiết. Nếu có thể gỉam xuống con số 30% là tốt nhất.

Nếu gia đình thật sự khó khăn, thì lúc nhỏ, bạn hãy tiết kiệm càng nhiều càng tốt. Vì khi con lên cấp 2, thì chắc chắn con sẽ cần học thêm. Với nền giáo dục công của VN, khó mà nói rằng “con tôi không cần học thêm”. Mình sẽ viết cụ thể về việc học thêm trong những bài sau.

Với con số 20% – 30% thu nhập đó, bạn quy ra là bao nhiêu tiền cụ thể? Từ số tiền đó, bạn quyết định nên chi trả cho giáo dục trường công, hay trường tư. Bạn cứ chọn trường trong số tiền hạn mức trên. Đừng cố quá mà thành quá cố.

Tầm nhìn xa

Hồi nhỏ mình xem Dự báo thời tiết hoài, nên mình thuộc lòng câu này. Nói ví von, ai có tầm nhìn xa, thì sẽ đỡ mất mát đau thương khi giông bão cuộc đời xảy ra.

Bạn cần làm 1 bài toán, tính cho đủ chi phí học của con: tính ngược xuống nha

  • Học phí 4 năm ĐH

  • 3 năm Trung học

  • 4 năm cấp 2

  • 5 năm tiểu học

  • 4 năm nhà trẻ và mẫu giáo


Tại sao phải tính ngược từ trên xuống?

Vì nói cho cùng, bậc giáo dục cuối cùng, là bậc ĐH, mới là thứ thực tế nhất, giúp con vào đời và sống sót được với đời. Dù ai nói ngã nói nghiêng, dù ai nói đao to búa lớn, dù ai nói lý tưởng, triết lý kiểu gì, thì:

  • Ít nhất phải có tấm bằng ĐH mới có thể xin việc

  • Ít nhất phải có kiến thức chuyên môn, thì mới xin được việc

  • Ít nhất phải học thật, học ở một ngôi trường ĐH có chất lượng đào tạo tốt, thì mới có đủ năng lực để hoàn thành công việc được giao, và phát triển, và thăng tiến…


Vậy thì, nếu phải dồn tiền vào để đầu tư, thì cần ưu tiên cho trường ĐH có chất lượng tốt.

Dù 12 năm có lỡ học hành chểnh mảng 1 chút, nhưng lên đến ĐH, cũng phải cố gắng học hành nghiêm túc nhất có thể.

Đầu tư cho 4 năm đại học phải đúng nghĩa: đầu tư tiền bạc và cả công sức để học cho ra ngô ra khoai.

Đừng chọn đại, đừng học đại. Đừng mất 4 năm + 1 mớ tiền để chỉ đổi lấy 1 tấm bằng, như 1 tờ giấy lận lưng, như 1 tấm vé vào cổng.

Thứ tự ưu tiên để đầu tư tài chính là:

  • Để dành đủ tiền cho bậc ĐH: hoặc ĐH có chất lượng, hoặc ĐH hệ liên kết, ĐH quốc tế trong nước, hoặc du học

  • Rồi mới để dành đủ tiền cho 3 năm trung học: đi từ trường học phí thấp – học phí cao: trường công tự chủ tài chính, trường tư, trường quốc tế dạng song ngữ (Á Châu, Vins…), hoặc ở SG có trường SIC (trường công quốc tế). Sau bậc ĐH, thì 3 năm cuối cùng của bậc phổ thông khá là quan trọng. Trong 3 năm đó, nếu được học ở 1 trường thoải mái, không quá bị áp lực điểm số, không bị nhồi nhét, thì các bạn có thể làm được rất nhiều điều cho con: cho con học TA đủ để giỏi ở trình độ tương đương IELTS 8.0, chọn và đầu tư học sâu những môn định hướng nghề nghiệp (Toán, Lý, Hoá, Sinh, Văn…), đồng thời chọn đầu tư 1 – 2 kỹ năng quan trọng: thuyết trình, hùng biện, kỹ năng lãnh đạo… Sự chuẩn bị tốt trong 3 năm trung học chính là bước đệm hoàn hảo cho con ở bậc ĐH. Nhiều gia đình, vì không đủ thông tin, nên khi con vào ĐH bị giới hạn khá nhiều cơ hội. Có những ngành con không học nổi, dù nhà vẫn đủ tiền cho con học bất cứ trường nào con muốn. Quả thật rất đáng tiếc.

  • Sau đó, mới để dành đủ tiền cho 4 năm cấp 2 ở trường xịn. Lưu ý, trường SIC chỉ có cấp 3. Nếu gia đình có điều kiện để đầu tư cho con từ lớp 6 trở nên thì quá tốt. Con có rất nhiều thời gian để học những thứ cần học, mà không phải chịu nhiều áp lực như ở 3 năm cấp 3.

  • Rồi mới để dành đủ tiền cho 5 năm tiểu học ở trường tư, trường tốt. Ở cấp tiểu học, nếu được học trường tư/ quốc tế, thì bạn nhỏ sẽ tự tin hơn và TA tốt hơn.

  • Cuối cùng, mới nên xài sang cho 4 năm mẫu giáo trường quốc tế. Nếu nhà mình đủ tiền thì mới nên xài sang cho mầm non quốc tế. Vì nói cho cùng, ở lứa tuổi này, trẻ con chỉ cần ăn uống sạch sẽ, được vui chơi là chính. Nếu muốn cho con học trường đúng xịn, thì hoặc chọn học trường Montessori, hoặc chọn học ở Viện Shichida mỗi tuần 1 buổi là được.


Đừng làm ngược, như 1 gia đình hàng xóm cũ của mình đã làm. 2 vợ chồng trẻ, nhà ở chung cư (do cha mẹ 2 bên cho tiền mua). Đi làm cũng có thu nhập tốt, nên cho em bé đi nhà trẻ/ mẫu giáo với học phí 20 triệu/ tháng. Khi mình hỏi thăm, thì 2 bạn trẻ ấy trả lời “Tại vì tuổi thơ là quan trọng nhất, nên em chi tiền nhiều nhất. Còn lớn lên, nếu muốn du học thì tự kiếm học bổng mà đi, chớ tụi em đâu có tiền lo nổi”.

Tuổi thơ quan trọng thì ai cũng biết. Nhưng, có chắc chắn rằng, bỏ ra 20 triệu/ tháng, thì cái trường mẫu giáo đó có giúp gì trong giai đoạn quan trọng đó không? Hay cũng chỉ là decor trường đẹp đẹp 1 xíu, rồi mời GV Philipin nói TA (không chuẩn) vào cho có tính chất quốc tế; và nói cho cùng, trường cũng không có gì khác ngoài việc giữ trẻ?

Tuổi thơ quan trọng của con rất cần thời gian chất lượng của cha mẹ dành cho con; hơn là bỏ 1 đống tiền vào 1 nhà giữ trẻ có cơ sở vật chất sang và đẹp.

Nếu bạn không đủ tiền để cho con vào trường tư, thì cứ trường công mà đăng ký.

Khuê nhà mình, hồi nhỏ, lúc mình còn phải lo cho 2 anh của Khuê, mình nặng gánh lắm, nên mình đâu có dám xài sang.

  • Lúc Khuê học 10 tháng đầu đời ở trường giáo dục đặc biệt: 500 USD/ tháng: học để trị liệu/ cải thiện khuyết điểm chậm nói của Khuê. Chi phí này là bắt buộc mình phải chi. Không thể tiết kiệm được.

  • Sau đó, Khuê chuyển về một trường mầm non đối diện chung cư, học phí chỉ 1.8 triệu – 2 triệu/ tháng. Lúc đó, thu nhập từ lương của mình là 60 triệu net/ tháng. Chưa kể mình còn thu nhập từ tư vấn part-time, và từ 2 căn chung cư mình cho thuê. Nhưng, tụi mình vẫn tiết kiệm tiền, vì biết là, sau này, còn nhiều thứ phải đầu tư cho con. Thời gian này, mình vẫn mời 1 GV giáo dục đặc biệt về nhà kèm 1 – 1 cho Khuê. Nhưng chi phí cũng chưa đến 2 triệu/ tháng.

  • Sau đó, từ lớp 1 – 3, Khuê học ở trường công. Theo đúng tuyến của hộ khẩu, thì nhà mình được học ở trường điểm của quận. Nhưng bố Khuê lại lên công an, xin giấy chứng nhận để chuyển về 1 trường công mới mở gần nhà, trường nhỏ xíu, đúng nghĩa trường làng. Học phí tất tần tật, bao gồm đủ thứ (tiền ăn, tiền bảo mẫu, tiền phụ phí…) chỉ 900K/ tháng. Lúc này, ngoài học phí trường công, mình cho Khuê học TA, và học bơi, học vẽ, học nhảy vào mùa hè.

  • Lên lớp 4, nhà mình chuyển qua khu ở gần Phú Mỹ Hưng, Khuê qua học trường Nam Sài Gòn, là trường công tự chủ tài chính. Học phí giao động từ 3.8 triệu – 4 triệu/ tháng cho tất cả mọi loại phí ở trường. Lúc này, học phí TA của Khuê với thầy Cường cũng chỉ khoảng 2 triệu/ tháng.

  • Lên lớp 6, Khuê vào học trường Đinh Thiện Lý, học phí khoảng 100 triệu/ năm. Thời điểm này, 2 anh của Khuê đã học xong và hoàn toàn tự lập, tụi mình chỉ còn lo cho 1 mình bé Khuê thôi. Lúc đó, Khuê vừa học với thầy Mario, vừa học thầy Andy. Nhưng tổng phí học thêm cũng tối đa là 4 triệu/ tháng.

  • Lên lớp 8, Khuê vào học trường CIS với lộ trình học phí 0 đồng.


Nếu tính ra, chi phí học hành của Khuê, so với thu nhập của mình, thì chưa bao giờ vượt qua 20%, kể cả thời điểm Khuê học trường Đinh Thiện Lý (có học phí từ 100 triệu/ năm lớp 6 và tăng 10% theo mỗi năm).

CÓ NÊN HỌC TRƯỜNG CÔNG?

Phần 2 – Hỏi Đáp

Sau bài viết đầu tiên, chị nhận được nhiều comment hay, thú vị và đa chiều. Trong đó, có những ý hoặc những câu hỏi mà chị muốn phân tích cho sâu hơn. Chị chọn ra một số comment bên dưới nhé.

Nhân Trương:

Cũng muốn hỏi chị từ lâu mà ngại phiền chị nên chưa dám hỏi 

 Nay có bài tham khảo này hay quá. Trước e k nhớ đọc báo nào khuyên là tầm 10% thu nhập nên e cũng đang dao động ở khoản đó. Mong sớm nhận được chia sẻ của chị trong các bài viết tiếp về chủ đề này.

Trả lời của chị Hương:

Khoảng chi phí dành cho giáo dục mà chị đưa ra khá rộng, từ 10% – 30%, là vì, chị nhìn vào nhiều trường hợp thu nhập, từ thấp đến trung lưu. Còn nhà giàu thì khoẻ rồi hen.

Khi nào mình dùng đến 30% thu nhập?

Trường hợp thu nhập khá trở lên:

  • Đã có tích luỹ tài sản. Đã có vài miếng đất để dành đó sau này bán cho con du học, hoặc học ĐH quốc tế.

  • Có đa dạng nguồn thu nhập: 2 vợ chồng đều có thu nhập tốt, vừa có thu nhập chủ động từ lương/ làm thêm job tay trái, vừa có thu nhập thụ động từ các khoản đầu tư khác. Phải bảo đảm đừng phụ thuộc vào 1 nguồn thu nhập duy nhất.

  • Điều này giúp cho mình làm chủ trong mọi tình huống: dù thị trường có lên xuống, công việc lỡ bị off, hoặc 1 mảng đầu tư nào đó bị chựng lại, thì gia đình vẫn trụ được, vẫn có đủ tài chính để đầu tư cho con.


Trường hợp thu nhập thấp:

  • Nếu tổng thu nhập gia đình quá thấp, thì mình buộc lòng phải cắt hết tối đa những chi phí khác, để đầu tư cho giáo dục.

  • Lúc đó, chi phí lớn nhất của gia đình sẽ là: nhu cầu tối thiểu (ăn uống, điện nước, xăng xe…), chi phí bảo hiểm sức khoẻ (nếu gia đình quá khó khăn, chỉ cần có bảo hiểm Y tế nhà nước là đủ). Còn lại, thì “có nghèo cũng cho thằng Tèo đi học” nha các bạn. Tất cả các chi phí khác như: giải trí, shopping, du lịch… thôi thì mình tạm cắt, để đầu tư cho con nha. Lúc này tiền đầu tư cho giáo dục có thể là 30%, hoặc thậm chí hơn.

  • Hơn 30% là do tổng thu nhập cả nhà ít quá. Chớ so ra số tiền thực thì cũng không lớn. Nhưng, việc học vẫn là điều quan trọng nhất trong đời 1 con người mà.


Khi nào mình dùng ít hơn 30%?

  • Là khi gia đình cả 2 vợ chồng có thu nhập tốt, nhưng vì còn trẻ, nên chưa có tích luỹ tài sản.

  • Nếu tổng thu nhập cả 2 vợ chồng là 50 triệu, nhưng nhà còn đang trả góp nợ ngân hàng, hết 20 triệu/ tháng; thì đừng nên dùng 30% thu nhập 
  •  15 triệu) cho học hành. Cả nhà chỉ còn lại 15 triệu thì làm sao tích luỹ cho giáo dục. Lúc này, chỉ nên gói gọn cho con học trong vòng 5 triệu thôi: trường công + học thêm TA + võ/ bơi/ vẽ…

  • Tích luỹ tài sản (nhà ở) xong rồi, mình lại tiếp tục tích luỹ cho giáo dục (như mình đã chia sẻ: bậc ĐH, cấp 3, cấp 2…). Vì lên cấp 2, cấp 3, thì dù có học trường tư hay không, các con vẫn phải học thêm. Mà học thêm cho đủ giỏi thì không ít tiền đâu. Cần phải dự trù trước khoản này.

  • Vậy, tuy là thu nhập cao, nhưng nếu mình chưa tích luỹ được những thứ quan trọng, thì mình vẫn nên đầu tư cho học hành 1 cách tiết kiệm, sao cho vừa đủ, không phung phí tiền bạc.

  • Vợ chồng trẻ nên tích luỹ theo thứ tự: nhà cửa, tiền tiết kiệm để đầu tư và tạo ra thu nhập thụ động, tích luỹ cho giáo dục đường dài.

  • Đừng chủ quan, đừng nghĩ lúc nào mình cũng làm ra tiền. Các bạn đã từng nghe qua khái niệm “khủng hoảng tuổi trung niên” chưa? Bạn bè/ đồng nghiệp cùng lứa với mình, kể từ sau Covid và cho đến tận bây giờ, thị trường đang suy giảm, nên công việc bị ảnh hưởng nặng nề (mất job, lương giảm 50%, hoặc các khoản đầu tư bị mất trắng…). Đã vậy, sự khó khăn này còn xảy ra ở lứa tuổi 45 – 50 nữa (tuổi này không cạnh tranh bằng tuổi trẻ), nên khó khăn chồng chất. Mà con cái thì đang vào giai đoạn quan trọng nhất: đứa thì vào ĐH, đứa thì sắp vào cấp 3. Vô cùng căng thẳng.

  • Lúc còn trẻ, làm việc có thu nhập tốt, nhưng mình vẫn phải nhìn cho xa, chớ đừng thấy có tiền mà xài sang nha các bạn.


Linh Phạm:

Em vẫn có 1 băn khoăn là liệu có nên đầu tư vào trường tư tốt ở cấp nhỏ, để cấp cao hơn con được vào trường công chất lượng cao hoặc giành học bổng không ạ? Nếu được em xin chị chia sẻ thêm ạ. Em cám ơn chị nhiều.

Trả lời của chị Hương:

Trường tư tốt ở tiểu học, cụ thể tốt là như thế nào?

  • Trong SG, trường tư tiểu học đa phần là học nhẹ, học thoải mái, học thời lượng tiếng Anh nhiều hơn và em bé tự tin hơn, có nhiều kỹ năng hơn. PH ở SG cho con học trường tư để được học nhàn, nhưng nói thiệt là hổng giỏi.

  • Ở HN, trường tư tiểu học tốt, thì có vẻ học nhiều hơn, hoặc học khá áp lực: học Toán, tiếng Việt và tiếng Anh, đều học rất nhiều, kể cả học kỹ năng. Tóm lại, PH ở HN, cho con học trường tư để học giỏi, nhưng học nặng.


Tuy vậy, với mục tiêu giúp bé vào được trường công chất lượng cao, hoặc giành học bổng không; thì là một câu chuyện khác.

Lúc này, em cần phân tích là liệt kê cụ thể:

  • Các tiêu chí/ yêu cầu cụ thể để vào trường công chất lượng cao là gì

  • Các tiêu chí/ yêu cầu cụ thể để giành học bổng là gì


Rồi em lại làm cho chị 1 bảng cụ thể:

  • Option 1 – Trường tư: với học phí trường tư, nếu không học thêm gì, thì liệu con có đạt yêu cầu để vào trường công CLC, hay được học bổng không?

  • Option 2 – Trường công + học thêm: lấy học phí trường tư trừ đi học phí trường công, còn lại bao nhiêu: dùng ngân sách đó để đi học thêm những môn cần thiết, thì có đủ để thi vào trường công CLC, hoặc giành học bổng hay không?

  • Option 3 – Trường tư + học thêm: Nếu khả năng tài chính của em có thể cover việc: vừa học trường tư, vừa học thêm những thứ cần thiết, thì em cứ làm. Ngoài ra, theo chị biết, một số trường tư ở Hanoi học khá nặng (như Archimes), vừa học trường tư + học thêm, liệu con có bị quá tải hay không?


Em cần phải cân nhắc và lựa chọn 1 giải pháp khả thi nha. Khả thi về tiền nong và khả thi về sức học của con nữa.

Hanh Ta Hong:

Em thì nhận thấy nếu gia đình có điều kiện thì cho con học cấp 1 tốt rất đáng ạ. Bé nhà em đang học cấp 1 ở 1 trường theo chương trình Mỹ, bé chỉ học ở trên trường, mà ko phải đi học thêm tiếng anh ở bên ngoài, tiết kiệm được rất nhiều thời gian mà năng lực tiếng anh rất tốt, các kỹ năng về giải quyết vấn đề, tư duy linh hoạt, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng thể hiện bản thân cũng được phát triển tốt. Thời gian các bạn đi học thêm tiếng anh thì con học các môn năng khiếu, có thời gian tham gia các h/đ dã ngoại của gia đình và học thêm tiếng Trung. Nhưng quá trình con học cũng là quá trình bố mẹ đồng hành cùng con rất nhiều ạ. Em chia sẻ quan điểm cá nhân để các bố mẹ nếu có điều kiện thì cân đối tài chính để đầu tư cho con, chứ cũng đừng nghĩ cấp 1 hay mầm non không quan trọng ạ. Vì chương trình VN so với chương trình Mỹ thì không biết bao giờ đuổi kịp, em làm trong lĩnh vực giáo dục nên cũng có chút kiến thức thông qua tìm hiểu, so sánh nên nhận định như vậy. Các mẹ cứ chia sẻ quan điểm cùng nhau nhé ạ.

Trả lời của chị Hương:

  • Học trường chuẩn Mỹ, từ cấp tiểu học: là điều mơ ước ai cũng muốn.

  • Nhưng, nếu đúng chuẩn Mỹ, thì học phí tiểu học, trung bình là 500 triệu/ năm. Mình tạm tham khảo học phí trường quốc tế Canada CIS, học phí từ lớp 1 – lớp 5 là 500 – 530 triệu/ năm. Trung bình, tổng chi phí cho 5 năm học tiểu học là hơn 2.5 tỉ.

  • Nếu gia đình mình có đủ tiền đầu tư cho con học trường xịn từ nhỏ đến ĐH, thì không còn gì để nói. Nhưng nếu, nhà mình chỉ dành dụm được 1 khoản 2.5 tỉ, thì mình nên dùng 2.5 tỉ này vào đâu? Dùng cho giáo dục bậc ĐH, hay dùng cho tiểu học thì tốt hơn?

  • Giáo dục ở bậc nào cũng quan trọng. Nhưng, có những thứ quan trọng hơn, mang tính quyết định. Dựa vào mức độ quan trọng đó mà mình nên có thứ tự ưu tiên để đầu tư nha em.


Trần Khánh Linh:

Con e học lớp 5 & 7 rồi. Nhờ chị có thể chia sẻ thêm về cách học mấy kỹ năng mà trường công ko có như STEM, thuyết trình, làm việc nhóm, viễn cảnh toàn cầu… được không ạ. Những môn này trường tư lúc trước con em học rất tốt, nhưng môi trường GD không ổn nên e phải chuyển trường gấp về trường công gần nhà. Các môn khác thì e có GV dạy kèm, còn mấy môn đó ko biết học một mình thì học kiểu gì được. Mong được nghe ý kiến của chị và các mẹ có kinh nghiệm ạ. Biết ơn chị Phạm Hương và cả nhà mình nhiều.

Trả lời của chị Hương:

Những môn em hỏi, như:

  • Thuyết trình, làm việc nhóm: là kỹ năng

  • STEM: môn học ngoại khoá nâng cao

  • Viễn cảnh toàn cầu: kiến thức lý thuyết


Những môn này, nói thiệt với em, không phải cái nào cũng đáng để học. Và không phải trường tư/ trường quốc tế thì dạy tốt tất cả các môn ngoại khoá đâu. Mình đừng có kỳ vọng quá vào trường quốc tế.

Môn Global Perspectives này, chỉ cần mình chịu khó khuyến khích con đọc sách về thế giới (văn hoá, xã hội, địa chính trị, lịch sử…) là được mà.

Về các môn STEAM của trường tư, hoặc trường quốc tế, mình thấy có, nhưng hời hợt lắm.

Hồi Khuê học ở Đinh Thiện Lý, trường này có thể nói là trường tư xịn xò hàng top ở SG. Phòng thí nghiệm được trang bị tiền tỉ. Nhưng mà, suốt 2 năm Khuê học ở đó, có được làm dự án STEM nào đâu. Nghe đâu là để dành cho anh chị cấp 3. Mà ngay cả có làm dự án, nó cũng làm kiểu chơi chơi, chớ hông phải học thật – giỏi thật đâu em ơi.

Rồi bây giờ, Khuê về học ở CIS, toà nhà có tên nghe rất kêu “Trung tâm sáng tạo và Khởi nghiệp”, xây to lớn đẹp đẽ lắm. Nhưng Khuê học 1 năm rồi, mà có thấy được thí nghiệm hay làm dự án gì ở đó đâu?

Sắp tới, bên đó tổ chức các khoá học STEAM, với các chương trình:

  • Deep Water culture system – Nông nghiệp đô thị

  • Music programing – Lập trình âm nhạc

  • Branding Merchandizing – Xây dựng thương hiệu cá nhân

  • DIY Products – Nhà phát minh tương lai


Các khoá này, trường CIS đều thu phí, và không hề rẻ. Nhưng, điều quan trọng là, mình có nhất thiết phải học những khoá này không? Nó thật sự có giá trị không? Nó đóng góp gì cho định hướng học thuật của con trong tương lai?

Thậm chí, trường CIS còn mở những khoá kỹ năng như:

  • Public Speaking: hùng biện

  • Debate: tranh biện

  • World Scholar Cup: luyện thi đấu giải WSC


Nếu có khoá nào mà con thật sự thích học, thì mình sẽ chấp nhận chi tiền cho học. Nhưng đâu cần phải vào trường quốc tế làm gì? Cứ có tiền là học được mà.

Trường CIS gần đây còn tổ chức các lớp thể thao ngoại khoá, và tương tự, cũng phải đóng tiền. Khuê nhà mình đang học môn bóng rổ. Và học sinh bên trường quốc tế SSIS cũng qua học chung. Có nghĩa là open, ai muốn học thì đóng tiền thôi.

Ngoài ra, mỗi tuần, Khuê có tham gia 1 lớp Kịch bằng TA với ông thầy người Anh, ở Thảo Điền, Q2. Học chung với Khuê là rất nhiều các bạn nước ngoài, là học sinh của các trường quốc tế hàng đầu ở đó. Có nghĩa là, dù các bé đó đang học trường quốc tế, chắc chắn trong trường đều có các môn ngoại khoá và có rất nhiều CLB ngoại khoá, kể cả Kịch. Nhưng, nếu chất lượng trong các trường đó tốt rồi, thì các bé HS trường quốc tế có cần phải đi học thêm lớp Kịch vào cuối tuần không?

Đó là mình đang đưa ra những ví dụ cho các trường quốc tế thuộc loại top của SG rồi đó. Những trường tư song ngữ (như Vins, Á Châu, Việt Úc…) thì cũng sơ sài vậy đó, chỉ làm cho có mà thôi. Nếu bạn thực sự muốn con giỏi 1 môn nào, 1 kỹ năng nào, thì dù có học trường quốc tế vẫn không ăn thua.

Đó là lý do, nhà mình vẫn phải bỏ tiền không ít, để Khuê học các môn ngoại khoá và kỹ năng:

  • Lớp bóng rổ: học tại CIS

  • Lớp Kịch bằng tiếng Anh: học ở nhà thầy ở Thảo Điền

  • Lớp Debate: học ở E-class


Đừng quá kỳ vọng vào trường tư, hoặc trường quốc tế các bạn ơi. Muốn học để có được 1 kỹ năng thật sự, thì phải bỏ tiền học cho xịn xò. Học vậy còn chưa ăn thua, học vậy mà còn chưa dám chắc là mình đã giỏi. Huống hồ.

Đừng nghĩ vào trường quốc tế thì không cần bỏ tiền học thêm nha.

Nhị Xuân:

Trường công thì ngại mỗi việc phải học nhiều thôi ạ. Vẽ vời học thêm các thứ. Giờ thấy đứa nào cũng đờ đẫn người vì học ngày học đêm.

Trả lời của chị Hương:

  • Trường nào, mà muốn học giỏi, thì phải đi học thêm thôi. Kể cả trường quốc tế.

  • Đờ đẫn vì học ngày học đêm là do PH thúc ép con cái chạy theo điểm số, hoặc thành tích.

  • Nói một cách công bằng, ở cấp 1: chỉ có 3 môn: Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh; bài vở không có gì để phải học thêm cả. Tất cả những gì con cần học chỉ là tiếng Anh. Nếu PH nào mà cho con đi học thêm các môn Toán, tiếng Việt… đến nỗi đờ đẫn, thì PH mới chính là người cần phải “học”: học hỏi và tìm hiểu thêm các kiến thức về giáo dục.

  • Ở cấp 2: lớp 6 – 7: ngoài tiếng Anh, cũng chưa cần đi học thêm gì nhiều. Nếu con đã có nền tảng tốt từ cấp 1, thì con có thể mua tài khoản Học Mãi và tự học. Lúc này, để duy trì điểm GPA 8.0 thì hoàn toàn thoải mái. Chỉ là PH muốn con đạt điểm 9, hoặc điểm 10 tuyệt đối, nên mới ép con học thêm mà thôi.

  • Cấp 2, lớp 8: mới bắt đầu cần đầu tư học thêm. Lúc này, cần xác định con theo Career nào, mà chọn tổ hợp 2 môn để học. VD: Khuê nhà mình theo hướng học Dược, thì con sẽ học môn Toán ở mức vừa đủ, chỉ mua tài khoản Aleks để tự học. Nhưng con đã học môn Chemistry với tutor 1 – 1 để học sâu, học cho thiệt vững, học để trở thành 1 người làm việc trong ngành hoá dược ở tương lai.

  • Lên cấp 3: lúc này, cần chọn tổ hợp 3 môn để học. VD: Để học Dược, hoặc Y, thì tổ hợp là 3 môn: Toán – Hoá – Sinh, và 1 phần Lý. Môn Toán thì lúc nào cũng duy trì học vừa đủ. Còn môn Sinh và môn Lý sẽ được phân bổ để học trong suốt 4 năm trung học (hệ quốc tế, trung học từ lớp 9 – 12).

  • Việc học thêm, với Khuê nhà mình, được phân bổ khá nhẹ nhàng, dàn trải. Đâu có gì mà phải học ngày học đêm, đến mức đờ đẫn. Đó là mình đang plan một lộ trình cho ngành học thuật cao là Y – Dược. Chớ học các môn khác, thì còn nhẹ hơn.


Nói cho cùng, việc lên kế hoạch từ sớm, phân bổ các môn học cần thiết. Học đúng và đủ:

  • Đúng những môn cần học. Đúng mảng kiến thức cần học.

  • Đủ những kiến thức cần thiết và vừa đủ cho bậc ĐH. Đừng học thiếu, mà cũng đừng học thừa, phí lắm.


Học kiểu đó, thì không thể nào học đến đờ đẫn được.

Huyền Mai:

Em xin tư vấn case của em, em ở Hn, em đang đứng trước 2 lựa chọn:

  • 1 là học trường công gần nhà, tiếng Anh thì em đang dạy cho bé và em dự định 4 tuổi bắt đầu lớp spectrum của chị và em không lo nhiều phần tiếng Anh.

  • 2 là học trường tư (trường tư chọn), trường này học rất áp lực và đầu ra vào chuyên hoặc đi du học. Muốn thi đỗ trường này em phải cho bé luyện thi từ 4 tuổi, dạy theo chương trình bộ giáo dục theo phương châm luyện gà nòi. Câu hỏi em muốn hỏi chị là em nên cho con bàn đạp tốt nhất từ cấp tiểu học (bằng cách học trường tư chọn từ đầu, học trường này có áp lực cả bé và gđ ạ) hay là cho con học trường công gần nhà, vì điều em lo là nếu học trường công gần nhà sẽ ko có tính cạnh tranh trong học tập, vậy tính cạnh tranh này có ảnh hưởng đến con khi con vào cấp 2, 3 hay không? Nếu con vào môi trường cạnh tranh từ đầu thì có tốt hơn cho con ở giai đoạn cấp 3 để bật lên đại học trường tốt hay không? Em còn đang rất mông lung vì đây là bé đầu nhà em. Chị đã nuôi và theo dõi 3 con đến khi trưởng thành thì ch thấy cần giúp con tạo sức bật ở ngay tiểu học hay là sau tạo sức bật vẫn được? Em cảm ơn chị nhiều ạ


Trả lời của chị Hương:

  • Trẻ con cần được hướng dẫn, dìu dắt, đồng hành. Trẻ con không cần và không nên có áp lực. Nếu có áp lực, thì mình cần tránh nó, hoặc giảm nhẹ nó, tìm cách giải toả nó, hơn là tìm kiếm nó và đặt nó lên con mình.

  • Tạo bàn đạp tốt nhất cho con không đồng nghĩa với việc tạo áp lực cho con.

  • Một môi trường học tập cạnh tranh có thể sẽ tạo ra được một động lực học tập cho con. Nhưng, theo các lý thuyết về Động lực học tập, đây là dạng động lực đến từ bên ngoài. Động lực bên ngoài vốn không bền vững, mà đôi khi, nó được xem là động cơ, hơn là động lực.

  • Theo 2 nhà tâm lý học người Mỹ Ryan & Connell: Loại động cơ bên ngoài có mối tương quan tỉ lệ thuận với sự lo lắng, nỗi tức giận, chán nản, tuyệt vọng và thái độ tiêu cực. Điều này rất dễ thấy, những đứa trẻ học ở trường chuyên, lớp chọn học hành thường rất căng thẳng, không phải chỉ vì vất vả học hành, mà vì sự so sánh, cạnh tranh, khiến cho tâm lý các con trở nên tiêu cực. Những kết quả này cũng được chỉ ra trong hàng loạt các nghiên cứu của Patrick, Skinner & Connell, (1983); Miserandino, (1996); Vansteenkiste et al. (2005). Ngược lại, Động cơ bên trong gắn liền với sự thích thú, tính ham hiểu biết, thái độ và tình cảm tích cực.
  • Việc bạn cần làm cho con là: cho con tiếp cận với các phương pháp giáo dục sớm từ nhỏ: xây dựng tình yêu đọc sách, rèn luyện khả năng tập trung, phát triển trí não và tư duy. Giúp con học hành với niềm vui thích hơn là tạo áp lực lên con.

  • Việc giáo dục từ sớm đúng cách, sẽ giúp con học rất giỏi, mà quan trọng nhất, là con có thái độ tích cực đối với việc học hành. Đó chính là bàn đạp tốt nhất và bền vững nhất mà bạn có thể làm cho con.

  • Việc chọn trường công hay tư, thì chị khuyên rằng: nếu có thể, em nên chọn trường học nào mà con được học thoải mái, nhẹ nhàng; nhà trường và thầy cô tôn trọng học sinh, biết lắng nghe các con, khuyến khích các con nói lên suy nghĩ, ý kiến của con; giúp con tự tin hơn, phát triển kỹ năng nhiều hơn.

  • Về học thuật, cần cho trẻ học gì ở cấp 1, hoặc sớm hơn, là trẻ từ 2 – 5 tuổi: chị sẽ viết chi tiết trong loạt bài khác.


Hy vọng các câu trả lời giúp được phần nào cho các bạn.

CÓ NÊN HỌC TRƯỜNG CÔNG?

Phần 3 – Những kỳ vọng không thực tế

Trước khi đi vào các vấn đề cần phải khắc phục khi học trường công. Mình phân tích sâu thêm những kỳ vọng và ảo tưởng không thực tế và không thoả đáng. Again, đây là góc nhìn, phân tích của mình dựa trên trải nghiệm của chính mình + phản hồi của PH từ nhiều nguồn. Mình cam kết là thông tin của mình là khách quan và có sự tìm hiểu thực tiễn trong 1 thời gian dài. Dĩ nhiên, sẽ có ngoại lệ, nhưng bài viết này đưa ra một cái nhìn tổng thể và khách quan nhất.

Khen và chê

Mình đã nghe quá nhiều lời chê bai trường công, nhưng nói thiệt, mình là ngược lại. Mình chưa hề chê bai gì trường công hết; mà mình chê trường tư.

Mình chê trường Đinh Thiện Lý tơi bời, mình thấy nhiều khuyết điểm quan trọng ở hệ thống trường tư “nữa vời”, và mình cũng có nhiều thứ không hài lòng ở trường quốc tế.

Nếu mình so sánh trực diện 1 – 1 giữa trường công và tư, thì dĩ nhiên, trường tư/ trường quốc tế tốt hơn nhiều. Nhưng nếu mình so sánh học phí của công và tư, thì mình thấy rằng, cái giá trị mình nhận lại được, so với cái chi phí mình bỏ ra, thì trường công là quá tốt.

Bạn thử so sánh đi:

  • Khuê nhà mình học tiểu học trường công, mỗi tháng chỉ có 900K, là tất tần tật.

  • Trường tư học phí rẻ nhất cũng 100 triệu/ năm. Trường quốc tế thì 500 triệu/ năm. Học phí gấp 10 lần – 50 lần. Vậy chất lượng có gấp 10 lần – 50 lần không?


Mình biết, cái so sánh của mình hơi thô thiển. Nó tương tự như mình so sánh cái túi simili giả da hàng chợ với cái túi hàng hiệu vậy. Cũng là túi xách tay, đựng vài ba món đồ lặt vặt cho phụ nữ. Một cái là vài trăm ngàn, một cái là vài trăm triệu (cho phiên bản limited). Giá tiền gấp 1.000 lần, thì làm sao có thể phân định rạch ròi chất lượng tốt hơn 1.000 lần như thế nào?

Nhà giàu đại gia, thì họ không cân nhắc, chắc chắn họ sẽ phải dùng túi hàng hiệu. Và đương nhiên, họ cũng sẽ cho con học trường quốc tế. Đại gia đúng nghĩa thì không bao giờ lựa chọn trường công hay quốc tế. Họ chỉ phân vân chọn lựa trường nào: BIS hay SSIS, cũng như nhãn nào, Hermes hay LV.

Mình là người yêu thích cái đẹp. Mình thích hàng hiệu không phải chỉ vì cái “hiệu” của nó, mà vì mình thấy nó đẹp thật, đẹp đến từng chi tiết, thẩm mỹ rất cao, chất lượng thượng hạng. Nếu có đủ tiền, mình sẵn sàng dùng hàng hiệu suốt đời.

Tương tự, nếu có đủ tiền, mình sẵn sàng cho Khuê học trường quốc tế từ nhỏ đến lớn.

Ủa, sao mình mâu thuẫn vậy? Hồi nãy vừa nói là không hài lòng mà?

Mình không hài lòng là do: với cá nhân mình, mình thấy học phí 500 triệu/ năm đó quá cao, thì mong đợi của mình cũng sẽ cao tương ứng. Đến khi mình thấy thực tế, nó không được như vậy, thì thất vọng. Mà kỳ vọng càng cao thì thất vọng càng nhiều.

Tại sao các đại gia họ rất hài lòng với trường quốc tế, họ không chê gì cả? Là bởi, học phí đó với họ là chuyện nhỏ, rất nhỏ. Nên họ không mong đợi, không kỳ vọng gì nhiều. Và cũng chả có thất vọng gì hết. Bất quá họ chép miệng “Trường quốc tế nào cũng vậy thôi mà”.

Ngược lại, có những PH, vì đã trót chọn trường tư, vì đã cố gồng theo đuổi trường quốc tế đắt tiền, nên dẫu có không hài lòng, thì cũng không dám lên tiếng, vì ngại. Ngại người ta nói này nói kia.

Kỳ vọng và sự khen chê của chúng ta, nó đến từ tâm lý của chúng ta. Chỉ khi nào cta thật sự khách quan, thoát ra khỏi sự chi phối của tâm lý, nhìn sự việc theo đúng bản chất tự nhiên của nó, mà hiểu rằng, cái gì cũng có giá trị tương xứng với phân khúc của nó.

Trường quốc tế mở ra dành cho học sinh con nhà đại gia đúng nghĩa. Tại nhà mình chưa đủ giàu mà bon chen vào học, rồi vô đó thấy chất lượng đắt giá so với học phí, rồi khen chê thôi. Chớ đại gia không hơi đâu phí thời gian phân tích nhiều (vì thời gian của họ là vàng ngọc, thời gian đó họ làm ra bao nhiêu của cải thặng dư, hơi sức đâu mà ngồi tính toán chi li). Nếu không hài lòng, họ sẽ tìm trường xịn hơn, đắt hơn, mà không hài lòng nữa, họ cho con đi du học.

Tâm lý chê trường công

Một góc đối nghịch của tâm lý là: tại sao ở trường công, với một học phí rẻ đến như vậy, mà PH lại cứ kỳ vọng quá cao, đòi hỏi đủ thứ, và chê bai rất nặng nề?

Cta trả một học phí gần như rẻ mạt cho trường công, thì cta kỳ vọng trường lớp, thầy cô mang lại gì? Cta trả một số tiền quá nhỏ, mà đòi hỏi trường công gánh vác một trách nhiệm to lớn nhất: là giáo dục con mình giỏi giang nên người, liệu có công bằng?

Mình từng nghe rất nhiều PH ở các group HSC khác, nói về trường công, nói về các giáo viên trường công với lời lẽ gần như miệt thị “bọn nó”, mình thật sự rất sốc.

Tâm lý này, ở đây, có thể giải thích được là: hệ thống giáo dục trường công đang gần như miễn phí. Mà vì nó miễn phí, nó đương nhiên được hưởng cho mọi đối tượng, nên mọi người coi thường nó quá.

Cta thử giả định:

Nếu tụi mình sống trong một xã hội chạy theo “cơ chế thị trường” đúng nghĩa. Không có hệ thống giáo dục trường công. Tất cả mọi vấn đề về giáo dục đều được kinh doanh, tụi mình phải trả tiền theo giá thị trường cho tất cả, trong suốt 16 năm học hành của con. Lúc đó, bao nhiêu trẻ em thất học? Còn có cơ hội nào cho trẻ nhà nghèo?

Mình nói thiệt là, mình rất thương các thầy cô giáo ở trường công. Mình thông cảm với sự khó khăn của trường công. Dù nhiều lúc mình cũng rất bực, cũng phê bình trường công; nhưng chân thành mà nói, mình chưa bao giờ và không bao giờ chê bai bỉ bôi gì trường công cả.

Dĩ nhiên, có vô vàn thứ bất cập mà mình không hài lòng ở trường công. Nhưng mình hiểu, thông cảm và chấp nhận thực tế đó. Rồi mình tìm cách để khắc phục nó.

  • Nếu cta chỉ thấy vấn đề, mà không hiểu nguyên nhân, thì cta mới hiểu lơ mơ ở lớp vỏ bề mặt

  • Nếu cta hiểu nguyên nhân, mà không có giải pháp, thì cta cũng chỉ là một trong hàng triệu người chỉ biết complain, chê trách, mà không giúp gì được cho con mình và cho xã hội.

  • Nếu cta hiểu và thấy giải pháp, nhưng cta cứ mặc định đó là trách nhiệm/ nhiệm vụ của nhà nước, của nhà nhà trường, của thầy cô, của bộ GD, rồi đòi hỏi phải làm thế nọ, thế kia… thì cta cũng chỉ là một trong hàng triệu người mắc bệnh “nói thì dễ hơn làm”.

  • Chỉ khi nào cta để tâm tìm hiểu thật sâu sắc, cta đồng cảm với hệ thống giáo dục công, cta biết đây là lỗi hệ thống, nên không dễ gì mà ngày 1 ngày 2 thay đổi được. Rồi cta cố gắng tìm kiếm những giải pháp khả thi nhất và cta xắn tay vào hợp tác với thầy cô, với nhà trường, cta hành động, chia sẻ và gánh lấy phần trách nhiệm của giáo dục, thì lúc đó, cta mới thực sự giúp được con mình.


Đừng phó thác mọi thứ cho trường lớp, thầy cô, dù là công hay tư.

Đừng chỉ biết chê bai, đổ lỗi.

Đừng chỉ biết nói, mà không biết làm.

Đừng xúc phạm thầy cô, đừng coi thường trường học.

Kỳ vọng và ảo tưởng

Như mình đã kể, mình cũng từng có tâm lý kỳ vọng vào trường tư (Đinh Thiện Lý) và trường quốc tế. Nhưng khi Khuê mình học ở đó, mình đã từ từ hiểu ra vấn đề.

Mà hài hước nhất là, những người ít tiền như mình thì thường chê bai nhiều nhất. Mà PH nào là đại gia đúng nghĩa, họ chỉ cười xoà.

Bây giờ, mình hoàn toàn không kỳ vọng hoặc ảo tưởng gì nữa.

Mà mình không phải là trường hợp duy nhất đâu. Rất nhiều PH trong group đã từng “ảo tưởng”:

Tui tưởng học trường quốc tế thì chắc chắn phải giỏi TA lắm chớ

  • Xin thưa là không ạ. Không phải cứ vào học trường quốc tế thì auto giỏi TA. Trường quốc tế cũng có nhiều bạn không giỏi TA.

  • Thực tế là, các bạn trong lớp Khuê toàn nói TV với nhau. Một lần, khi thầy gọi Khuê lên bảng giảng bài Toán cho lớp, các bạn yêu cầu Khuê giảng bằng TV (mặc dù Khuê nói TV không lưu loát bằng TA). Sau đó, thầy phải giảng lại lần nữa bằng TA cho các bạn hs quốc tế.

  • Vì các bạn nói TV với nhau nhiều quá, nên thầy phải dành hẳn 1 vài buổi, và thầy chỉ định các bạn đứng lên nói 1 chủ đề bằng TA.

  • Nói đã như vậy, viết còn kém hơn. Tương tự môn Văn trong TV, không phải ai cũng giỏi viết. Mình đã và đang giúp rất nhiều các bé học trường quốc tế, cả ở HN và SG, học lớp Writing của thầy Andy.

  • Đây là 1 lát cắt hiện thực của trường quốc tế xịn. Còn trường tư song ngữ, hoặc trường tư tăng cường TA, hoặc trường tư sử dụng giáo trình Cambridge, giáo trình Úc… thì chất lượng còn thấp hơn. Học hệ 50 – 50 này sẽ bị tình trạng “nữa nạc nữa mỡ”, các môn TV không giỏi bằng HS trường công, mà các môn TA cũng học rất lơ mơ. PH của nhóm trường này nên bớt “tưởng” và nên quan tâm đến chất lượng học tập của con. Đã có khá nhiều PH trường song ngữ “vỡ mộng” sau 1 thời gian dài.

  • Mới đây, mình có nghe 1 bạn quản lý cấp cao ở 1 hệ thống trường quốc tế chia sẻ với mình là “Sau một đợt kiểm tra đánh giá, trình độ TA của HS lớp 10 và 11 ở một trường quốc tế dạng “nữa chừng xuân” nọ đạt trung bình IELTS 3.0”. Đây là sự thật. PH cần lưu ý.


Tui tưởng học trường tư, trường quốc tế thì hoạt động ngoại khoá rất hay và con sẽ giỏi các kỹ năng

  • Mình cũng từng bị hố hàng về điều này.

  • Lúc Khuê học trường Đinh Thiện Lý, con phải đăng ký bắt buộc 3 lớp ngoại khoá. Nhà mình đăng ký chọn 2 khoá học thuật là: lớp Developing Writing và Debate, 1 khoá âm nhạc là Hát giao hưởng.

  • Trải nghiệm cay đắng của mình về hoạt động ngoại khoá ở Đinh Thiện Lý là: nhà trường chỉ làm cho có lệ. Tất cả HS từ khối 6 – 12 đều có thể đăng ký và học chung 1 lớp. Không test trình độ. Cả khoá rất đông, gom chung học chung với nhau. Chả có Debate nào ra hồn, mà cũng chả có sửa bài writing nào hết. Điều mình bức xúc là: tuy là ngoại khoá, nhưng trường bắt buộc phải tham gia. Học 1 năm liên tục như vậy, thì phí bao nhiêu thời gian của con mình? Thiệt giận hết sức. May mà ở hoạt động Hát giao hưởng, Khuê còn được hát hò cho vui.

  • Ở trường CIS, học kỳ 2, Khuê đăng ký lớp CLB Dancing (vì mình không muốn Khuê học các môn học thuật nhiều quá). Đến khi vào phòng Dancing, thì không có ai hướng dẫn dạy nhảy cả. Cô mở cái video clip cho các bạn xem, rồi cô bỏ đi đâu mất. Các bạn trong phòng ai nấy mở ĐT chơi game, xem Youtube, Tiktok cho hết giờ rồi về. Khuê nhà mình thì ngồi bệt dưới đất, mở laptop ra học, hoặc lấy sách ra đọc.

  • Ở CIS, Khuê có tham gia CLB MUN. Tham gia có nghĩa là con được tham gia sân chơi MUN thôi. Còn kỹ năng thuyết trình của con, con phải tự học, tự luyện.

  • HS các trường quốc tế hàng đầu khác, như mình đã kể, cũng tìm học các môn ngoại khoá bên ngoài: HS của SSIS qua trường CIS học các môn thể thao, HS ở các trường quốc tế hàng đầu ở Q.2 đăng ký học kịch chung với thầy giáo người Anh ở khu Thảo Điền. Mình nghĩ, nếu HS các trường đó hài lòng với hoạt động ngoại khoá của trường mình, thì PH và các bạn ấy không cần tốn thêm tiền, mất thêm thời gian đi học ở nơi khác.

  • Mình cũng hỏi thăm 1 vòng các đồng nghiệp của mình, con học ở các trường tư khác, thì nghe đâu cũng tương tự. Hoạt động ngoại khoá liệt kê la liệt, nhưng chất lượng thì e rằng không như mình tưởng. Các con có thể tự tin hơn, năng động hơn; nhưng để nói cứ học trường quốc tế là giỏi 1 kỹ năng hay môn thể thao, nghệ thuật nào (tranh biện, hùng biện, viết sáng tạo, viết học thuật, kỹ năng lãnh đạo, bóng rổ, bóng chuyền, dancing…) thì không.

  • Kinh nghiệm của mình rút ra là: Các hoạt động ngoại khoá, dù là kỹ năng hay hát hò, nhảy nhót, thể thao… thì chỉ là các hoạt động để các con trải nghiệm là chính, để các con vui chơi là chính. Nó không đủ chất lượng để giúp con giỏi 1 kỹ năng nào.

  • Hơn nữa, nếu so sánh với các hoạt động ngoại khoá dạng dự án nghiên cứu khoa học của các trường chuyên, thì hoạt động ngoại khoá của trường quốc tế khó lòng mà bì kịp.


Tui tưởng học trường tư, trường quốc tế là giỏi

  • Trường tư và trường quốc tế ở SG, như mình phân tích ở trên, chắc chắn không giúp con bạn học giỏi. Dĩ nhiên, vẫn có hs giỏi, nhưng là do con và gia đình chủ động học hành, chớ không phải đơn thuần nhờ vào trường mà giỏi.

  • Cách đây 2 năm, có 1 PH liên hệ mình gấp, nhờ mình hỏi thầy Andy dạy kèm 1 case rất gấp: cháu của bạn học trường quốc tế rất có tiếng ở SG, lúc đó bạn HS đang học lớp 12. Do con học tệ quá, khả năng không thể nào tốt nghiệp được, thì nhà trường khuyên con đừng thi, mà hãy chuyển qua một trường khác, hệ liên kết gì đó, để con học và thi dễ hơn. Dĩ nhiên, cái bằng cũng ít giá trị hơn. Gia đình không chịu giải pháp đó, nên nhờ mình nói với thầy Andy giúp. Mình có giới thiệu Andy cho gia đình bạn. Sau đó, mình không follow case đó, nên không biết thế nào.

  • Bạn mình có 2 con học trường quốc tế “nữa chừng xuân”, khi lên highschool thì học hệ Cambridge full, học phí khoảng 20.000 usd/ năm. Nhưng khi con bạn đi Mỹ du học, thi IELTS chỉ được 6.5. Qua Mỹ, chỉ dám tự tin học trường Cao đẳng cộng đồng.

  • Trường tư ở HN thì có khác hơn. Tuyển chọn gắt gao từ đầu vào. Học hành nặng và áp lực. Mình đã từng thấy 1 trường hợp 1 bé học Archimedes, bé này rất thông minh, thầy dạy đâu hiểu đó. Nhưng học mãi mà thấy tiến bộ ít. Hỏi kỹ hơn, thì mới biết, khối lượng kiến thức của Archimedes quá lớn, cứ liên tục nhồi vào con mỗi ngày, mỗi tuần. Đứa nhỏ không có đủ thời gian để thẩm thấu, để tiêu hoá. Người mẹ lo lắng cho con đi học thêm, nhưng việc học thêm lại tiếp tục nhồi con kiến thức và bài tập, là một vòng lặp lại.

  • Học nhiều, học nhồi, chưa chắc là học giỏi. Thà học ít mà học sâu. Điều này, mình đã nói qua rồi. Hôm nào mình viết riêng về đề tài này.

  • Hơn nữa, chưa chắc những gì mà nhà trường nhồi nhiều thiệt nhiều, thiệt khó vào đầu con là cần thiết. Chẳng hạn như môn Toán, nếu con không đi theo chuyên Toán, thì mình có cần, ngay từ lớp 1, cho con học Toán cho thật nặng, giải bài Toán thật hóc búa, để làm gì?

  • Học trường tư, hay trường quốc tế, học nhởn nhơ quá cũng không giỏi. Mà học nhồi nhét quá cũng chưa chắc giỏi. Nói tóm lại, học trường nào đi nữa, muốn giỏi thì do cha mẹ/ gia đình, chớ trường học không phải là yếu tố quyết định con giỏi hay không.


Kỳ vọng và thái độ đúng đắn về trường tư/ trường quốc tế

Cta nên có những mong đợi đúng đắn như sau:

  • Nhà trường và thầy cô tôn trọng học sinh, biết lắng nghe học sinh, quan tâm đến học sinh. Đặt quyền lợi của học sinh cao hơn mọi thứ, kể cả mong đợi của PH.

  • Tôn trọng thái độ học tập của HS. Tuỳ vào mỗi trẻ mà các con tự quyết định học nhiều hay ít, học chăm hay học vừa. Có trẻ thích học thuật (như Khuê nhà mình) thì con sẽ đầu tư nhiều time cho bài vở. Có trẻ thích vận động nhiều thì con học vừa đủ, và con chơi thể thao nhiều.

  • Thầy cô không giao nhiều bài tập, và không bắt buộc trẻ làm tất cả bài tập. Tương tự, cũng không áp lực kiểm tra, thi cử nặng nề.

  • Giáo trình không học nhiều, không học nhồi nhét, không học thuộc lòng. Thời gian thảo luận nhiều hơn thời gian dạy & học.

  • Bài tập đa phần là bài tập mở, không có đúng sai. Tuỳ học sinh muốn làm bài sao cũng được. Bài sơ sài thì điểm trung bình; bài làm kỹ, có đầu tư thì điểm cao. Ở đây, nhà trường khuyến khích (chớ không ép buộc) học sâu, học kỹ.

  • Dù học ít hay nhiều, trẻ đều tự tin và năng động.


Cá nhân mình, ngoài vấn đề tài chính, mình chọn trường dựa trên sự cân nhắc các yếu tố:

  • Mình không bao giờ thích sự áp đặt, ép buộc, học nhồi, học nhiều. Mình chọn trường tư, hay trường quốc tế là để tránh sự học nhồi nhét. Ngay cả khi mình cho Khuê học ở trường công, thì mình vẫn chọn 1 trường làng, để con học vừa phải. Để mình còn có khoảng trống và điền vào những gì phù hợp.

  • Vì vậy, khi mình nghe các bạn kể trường tư nào ở HN học áp lực nặng nề thì mình nhăn mặt. Vào trường công ít tiền thì chịu áp lực đã đành, có tiền vào trường tư rồi mà còn bị nhồi nhét thì quá khổ.

  • Học nhồi nhét theo giáo trình SGK thì làm sao giỏi được. Các bạn biết rồi đó, SGK VN là một vấn đề đau khổ, là lỗi của cả hệ thống giáo dục. Sao mình lại chạy theo nó, sao lại mang cái áp lực đó chồng chất lên cho con mình?

  • Học nhiều, học nhồi một lượng kiến thức cho tất cả số đông thì làm sao tối ưu cho từng cá thể? Thế giới bây giờ đề cao lộ trình học tập cá thể hoá, mà mình, ở môi trường giáo dục phổ thông, lại nhồi nhét thật nhiều, thì liệu có đúng với con mình?

  • Học quá nhiều theo yêu cầu của trường chuyên, lớp chọn, thì mình chỉ biết chạy theo sự sắp đặt của nhà trường. Cha mẹ và con cái không còn sự tự chủ cá nhân nữa. Học theo đã mệt nhoài, thì làm gì còn thời gian để học những thứ mà mình thích, hoặc những thứ mà mình thấy là quan trọng, là thiết yếu cho con mình?

  • Mình cần giảm tải tối đa cho con. Thời gian rảnh của con càng nhiều thì càng có lợi. Để chi?

  • Để con có thời gian học sâu, học kỹ. Con có thời gian cho trí não thư giãn, nghỉ ngơi và hồi phục. Con có thời gian để đọc sách và phát triển tư duy.

  • Để tự mình lên lộ trình học tập personalize phù hợp cho riêng con, phù hợp với năng lực của con mình, phù hợp với mục tiêu đường dài (ở bậc ĐH và ngành nghề con chọn trong tương lai); để chỉ học những thứ cần học, và học cho đủ giỏi hoặc thật giỏi những kiến thức đó, tránh lãng phí thời gian của con.


Đó là lý do mình không bao giờ chọn trường điểm, trường chuyên. Trường nào càng ép học nhiều, thì mình càng thối lui. Mình muốn chọn trường học nhàn nhã nhất, ít áp lực nhất. Phần còn lại, tự mình thiết kế lộ trình riêng cho con, bảo đảm:

  • Con đủ giỏi để học một trong những ngành học thuật khó nhất (Y Dược)

  • Con đủ năng lực để vào học ở những trường có thứ hạng cao

  • Và quan trọng nhất, con có đủ năng lực để làm việc và thành công bền vững trong cuộc sống


CÓ NÊN HỌC TRƯỜNG CÔNG?

Phần 4 – CHẤT LƯỢNG GIÁO VIÊN

Bàn về giáo dục, mình thấy thấy có sự khác biệt ở vùng miền, khác biệt ở thành phố và tỉnh vùng sâu vùng xa, mà trong khuôn khổ một bài viết trên FB, mình không thể phân tích như một bản báo cáo dài hàng trăm trang được. Mình chỉ nói những ý chính, những mặt tổng quan, và dĩ nhiên, luôn luôn có ngoại lệ, nhưng cta không thể nào lấy những thiểu số ngoại lệ để đánh giá toàn cảnh. Những phân tích của mình, dựa trên rất nhiều chia sẻ của PH trên khắp cả nước, nhắn tin cho mình; mình chỉ chịu khó tổng hợp lại mà thôi.

Again, bài viết này, mình cố gắng đưa ra các nhận xét một cách khách quan nhất. Và nhận xét của mình hoàn toàn đứng trên quan điểm của 1 PH. Nó sẽ rất khác với quan điểm của 1 giáo viên, hay của 1 chuyên gia giáo dục nào đó.

Bởi vì, mình tạo cái group này, nói cho cùng, cũng chỉ để giúp đỡ PH, giúp đỡ các bậc làm cha làm mẹ có cái nhìn sâu hơn, đa chiều hơn, hầu giúp các bạn PH tìm được 1 lối đi hiệu quả, an toàn và khả thi trong việc giáo dục, học hành của con cái.

Mình không có chuyên môn sư phạm, cũng không phải thạc sĩ/ tiến sĩ giáo dục, hoặc chuyên gia giáo dục; nên mình không dám viết bài khoe khoang các kiến thức hàn lâm về giáo dục gì cả.

Đứng trên quan điểm của 1 PH, mình không muốn nghe hoặc nói quá nhiều những thứ cao siêu. Là 1 người mẹ, mình chỉ mong muốn những điều thật đơn giản cho con:

  • Chọn được trường vừa đủ tốt với gia đình: gần nhà, học phí phù hợp trong khả năng gia đình, con không bị quá áp lực

  • Chọn được thầy cô vừa đủ tốt: giúp con thích học, con có động lực học tập, học phí phù hợp với khả năng chi trả của gia đình

  • Con học thật giỏi thật, không chạy theo thành tích ảo, không chạy theo điểm số ảo. Những gì con học được sẽ mang lại giá trị lâu dài và bền vững

  • Con học đủ tốt để mở ra nhiều cơ hội cho con khi lên ĐH, hoặc khi ra đời làm việc

  • Con học cân bằng: vừa có kiến thức, vừa có kỹ năng, vừa có tư duy. Không học lệch, không chạy theo trend. Con chỉ cần trở thành 1 phiên bản tốt nhất của chính con.


Và vì vậy, mình rất thực tiễn, chớ mình không thích nói đạo lý cao siêu, lý tưởng bao bổng gì cả. Tóm lại, mình chỉ nói những gì đơn giản, khả thi, mà đa phần PH có thể hiểu được, cảm nhận được và thực hiện được.

Sau hết, mình mong, các thầy cô, các chuyên gia giáo dục, nếu có join vào group, mà đọc bài này, thì xin lượng thứ cho mình. Xin các thầy cô hãy đọc bài viết một cách khách quan, xem như đây là góc nhìn của phía PH. Nếu thấy bài viết này có thể giúp thầy cô cởi mở góc nhìn hơn thì quá tốt. Mà nếu thấy có điều gì chưa đúng, chưa đủ, thì mong các thầy cô góp ý một cách trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau; để mình và các PH có cơ hội hiểu biết thêm, thì thật là cảm ơn ạ.

***

Cân nhắc chọn trường

Với 2 con trai đầu, hoàn toàn học trường công 12 năm, mình không có chút gì lăn tăn. Nhưng, khi Khuê bước vào lớp 1, tụi mình cực kỳ lo lắng, vì Khuê vẫn rất yếu về ngôn ngữ. Khuê nói không trôi chảy, rất khó khăn khi thể hiện ý muốn nói. Người ngoài ít khi hiểu được con, tụi mình luôn phải đoán ý Khuê, rồi làm “phiên dịch” cho Khuê. Nói chung, vấn đề ngôn ngữ của Khuê là một vấn đề làm tụi mình cực kỳ lo lắng.

Vì lý do đó, tụi mình đi 1 vòng khảo sát các trường tư, hòng tìm 1 môi trường học nhẹ nhàng cho Khuê. Sau khi ông xã mình về làm 1 cái bảng excel liệt kê các trường tư, và học phí từng năm của nó. Ảnh tính ra, thì nếu học trường tư 12 năm, tổng học phí lên đến 2 tỉ. Đó là dạng trường tư song ngữ, hoặc trường tư tăng cường TA, thuộc dạng trường “nữa chừng xuân”, chớ chưa phải là trường quốc tế 100%.

Sau khi cân nhắc về mặt chiến lược, tụi mình đi đến quyết định là:

  • Để dành 2 tỉ cho cấp ĐH: nhà mình nhất định cho con đi du học. Nên mình cần ưu tiên tài chính cho việc du học bậc ĐH

  • Ở cấp 1, 2, 3: tụi mình sẽ ưu tiên cho việc học trường công: trường công sẽ là một khung sườn chính

  • Bổ sung vào “khung sườn trường công” là những môn học cần phải học thêm, theo một lộ trình phù hợp ở từng cấp: cấp 1, cấp 2, cấp 3 – mà mình sẽ chia sẻ cụ thể trong những bài sau.


Again, lý do chọn trường công của mình ở đây có 2 ý quan trọng:

  • Phù hợp với túi tiền, với tài chính gia đình

  • Phù hợp với mục tiêu của gia đình


Chất lượng giáo viên

Chúng ta đều biết đến vai trò của giáo viên trong hệ thống giáo dục, và cũng không ngạc nhiên gì khi nghiên cứu đã khẳng định: Trong môi trường giáo dục, thầy cô là người có ảnh hưởng lớn nhất tới sự thành công của trẻ (Hanushek, Kain và Rivkin, 1998).

Nói một cách đơn giản, chất lượng của giáo viên, chính là chất lượng của giáo dục.

Đặc biệt, khi các con bước vào lớp 1, học ở trường công, thì vai trò GV càng quan trọng. Nhưng may mắn thay, với Khuê nhà mình, 5 năm tiểu học, con toàn được học với thầy cô tốt, nên Khuê mới có ngày được hôm nay.

Vì vậy, tiêu chí chọn trường cho con, ngoài 2 yếu tố tài chính và mục tiêu nói trên, các bạn cần chọn theo tiêu chí chất lượng giáo viên.

  • Trường đẹp thì cũng tốt, nhưng giáo viên dễ thương thì tốt hơn

  • Trường dạy giáo trình hay thì cũng tốt, nhưng giáo viên dạy hay thì tốt hơn


Chọn trường nào, thì bạn cũng nên hỏi thăm về giáo viên ở đó: tuổi đời, tuổi nghề, dạy ở trường này bao lâu rồi, học sinh của các thầy cô có phản hồi, đánh giá ntn…

Chất lượng giáo viên ở trường công

Với sự quan sát của mình trong nhiều năm, mình có thể kết luận là: Giáo viên ở trường công giỏi hơn giáo viên ở trường tư.

Đó là sự thật. Ít nhất, điều này là sự thật ở các trường trong SG. Ở Hà Nội, có thể sẽ có sự khác biệt một chút. Mình nhờ các bạn cho ý kiến thêm nhé.

Khi tụi mình đi khảo sát 1 vòng các trường tư ở SG, thì đa phần GV dạy trường tư đều trẻ, ít kinh nghiệm. Mà khả năng sư phạm, hoặc còn gọi là việc giảng dạy của các thầy cô trường tư, cũng không hay, không bản lĩnh bằng các thầy cô trường công.

Điều này là do vài nguyên nhân:

  • Trường công bao giờ cũng “hot”. Các GV mới ra trường, muốn được điều về dạy ở trường công, thì phải qua thi tuyển, xét tuyển rất gay gắt. Ngược lại, trường tư tuyển chọn GV dễ hơn.

  • GV luôn an tâm khi được vào biên chế của trường công. Khi nào không được vào trường công, thì mới vào trường tư.

  • Nếu tính mức lương, thì có thể lương ở trường công thấp, nhưng thầy cô có thể cải thiện bằng dạy thêm. Trong khi đó, GV ở trường tư có mức lương cao hơn trường công 1 xíu, nhưng gần như đó là thu nhập duy nhất. Tính ra, tổng thu nhập kể cả dạy thêm của GV trường công sẽ cao hơn trường tư.


Điều mình muốn giải thích thêm ở đây là:

  • PH đã cho con học trường tư, học phí đã cao rồi, nên đa phần họ không thích cho con học thêm với thầy cô nữa.

  • Trường tư thu học phí cao, nhưng không đồng nghĩa với trả lương cho GV cao.


Trường tư thu học phí cao, rồi trả lương GV thấp, cũng không phải họ tham lam, muốn có nhiều lợi nhuận. Mà là chi phí vận hành trường học rất lớn. Chi phí đầu tiên là chi phí cơ sở vật chất. Giữa nội thành, thuê một miếng đất đủ to để xây trường, thì là món tiền rất lớn. Nếu phải vay ngân hàng, thì lãi suất hàng tháng không nhỏ. Chi phí này, ở trường công là = 0. Đây chính là lý do học phí trường công rẻ vô cùng.

Chi phí vận hành một trường học cũng không hề rẻ. Không chỉ là lương giáo viên, mà còn nhiều những nhân sự phụ trách hành chính khác.

Theo mình đọc được từ 1 nguồn đáng tin cậy, trường công ở Mỹ phải chi khoảng 1.600 USD/ tháng/ học sinh. Ở trường tư VN, tất cả mọi chi phí (từ điện, nước, lương, phí bảo trì, bảo vệ an toàn, vệ sinh…) đều tự cân đối thu chi, nên chi phí thực tế khá cao.

Ở trường tư, các con có thư viện đẹp hơn, sân chơi nhiều cây xanh hơn, phòng học máy lạnh mát mẻ hơn, nhà vệ sinh sạch sẽ hơn. Tất cả những thứ đó, đều quy ra chi phí.

Nếu các bạn có cái nhìn của nhà đầu tư, các bạn sẽ hiểu những chi phí đầu tư này rất lớn. Đặc biệt là khi liên quan đến trẻ nhỏ, nên các trường tư càng phải tốn kém các chi phí sao cho vận hành an toàn. Nếu không được nhà nước bảo trợ, bao cấp, thì chi phí cho giáo dục thật sự không rẻ.

Mình giải thích để các bạn hiểu rằng, khi cta chọn trường tư, thì có nghĩa là cta chấp nhận việc bỏ đi các đặc quyền được hưởng nền giáo dục công với giá rất rẻ. Cta chấp nhận học trường tư có nghĩa là chấp nhận học phí của nó tương đương với giá thị trường, chớ hổng phải nó đắt.

Nói cho dễ hiểu nhất là: không phải học phí trường tư đắt, mà là học phí trường công đang rất rẻ, nhờ được bao cấp.

Quay lại chất lượng giáo viên trường công, mình thật sự đánh giá cao bản lĩnh của các thầy cô trường công. Mình đặc biệt đánh giá rất cao, hoặc có thể nói là ngưỡng mộ, các thầy cô dạy lớp Một.

Lúc Khuê vào lớp Một trường công, 1 trường làng đúng nghĩa, tụi mình cũng rất lo lắng. Ngày đầu dẫn Khuê vào nhận lớp, trời ơi, một mớ con nít lơ ngơ, mếu máo, mặt mũi ngơ ngác từ mẫu giáo chuyển lên, đứng xếp hàng mà còn không nên thân. Thấy cái cảnh đó, mình vừa ngao ngán, vừa lo lắng khôn tả.

Nhưng, khi các giáo viên lớp 1 xuất hiện, các thầy cô xử lý gọn ghẽ: hướng dẫn bằng lời nói đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, có uy lực… HS răm rắp nghe lời. Từ sự hỗn loạn trước đó, lập tức trở nên ngay ngắn, trật tự và đi vào lớp. Tụi mình nhìn theo con vào lớp mà trong lòng yên tâm bội phần.

Cứ thế, Khuê học lớp Một trong một trải nghiệm vô cùng vui vẻ, nhẹ nhàng và tiến bộ kinh khủng về hành vi và thái độ.

Mãi đến sau này, mình mới hiểu, những giáo viên được xếp dạy lớp Một là những GV rất giỏi, bản lĩnh. Năm học đầu đời của 1 đứa trẻ đã được nhà trường có ý sắp đặt và chuẩn bị kỹ lưỡng, chớ hổng phải làm đại khái đâu.

Lên lớp 2, Khuê học với 1 cô cũng tốt, nhưng không bằng cô lớp Một. Rồi lên lớp Ba, Khuê lại được học với 1 thầy cực giỏi. Mình có cảm giác nhà trường cứ thay phiên xen kẽ nhau, để các con có đủ trải nghiệm với tất cả các thầy cô. Mình cảm thấy quá hài lòng với ngôi trường làng đầu tiên của Khuê.

Không chỉ là GV trường tiểu học, mà GV cấp 2 và cấp 3 của trường công càng xịn xò hơn.

Trải nghiệm của 2 con trai đầu của mình suốt 12 năm ở trường công cũng vui nhiều hơn buồn. Mình hỏi thăm bạn bè của mình, thì biết được, về tổng thể, mọi người hài lòng về GV trường công. Không biết PH ở SG có dễ tính quá không, nhưng gần như các anh chị em, bạn bè và đồng nghiệp của mình đều rất hài lòng và biết ơn GV trường công. Dĩ nhiên, vẫn có các vấn đề xảy ra, vẫn có GV còn vô tâm với HS, vẫn có thầy/ cô hù doạ học sinh hơi quá, làm căng hơi quá (vì muốn học sinh biết sợ mà lo học thôi). Nhưng nói chung, mình thấy, gần như mọi người chung quanh mình đều hài lòng.

Ở trường công, lớp học thường khá đông HS, thành phần gia đình HS đa dạng: khá giả có, khó khăn có, tri thức có, lao động có. PH đến từ nhiều thành phần khác nhau, nên kỳ vọng và cách hành xử của họ cũng rất khác nhau. HS xuất thân đa dạng nên sức học và thái độ học hành cũng khác nhau. GV trường công đã dẫn dắt, giảng dạy lớp học đa dạng đó, với số lượng đông như vậy, xuyên suốt hết năm này qua năm khác; nên thầy cô rất là bản lĩnh và kinh nghiệm đầy mình.

Chưa kể, học ở trường công, GV phải chạy theo các yêu cầu, chỉ tiêu của BGD, mà trong đó, có không ít những thứ trái khoáy, những bất cập. Trên đe dưới búa. Nhưng, kiểu gì thì kiểu, GV trường công đều phải vượt qua, hoàn thành mọi yêu cầu được giao.

Cái khó ló cái khôn. GV trường công phải vận dụng nội công để tìm giải pháp cho chính mình, cho HS, để tồn tại trong một môi trường phải nói là khá khắc nghiệt – mà PH cần hiểu và chia sẻ, hỗ trợ thầy cô nhiều hơn là chê trách thầy cô.

Bởi vì, ngày nào cta còn muốn con bạn hưởng được một nền giáo dục rẻ gần như miễn phí, mà lại chất lượng, thì cta nên là người chung tay để giúp nó vận hành tốt hơn.

Dĩ nhiên là thầy cô trường công cũng có những mặt trái, mà PH và HS rất là bức xúc. Nhưng mình sẽ viết trong bài sau.

Chất lượng GV ở trường tư

Ở đây, mình không đề cập tới GV người nước ngoài ở các trường quốc tế, mà mình đang nói về GV người Việt, đang dạy ở trường tư.

Mình lướt qua nhiều trường tư ở SG, thì cảm nhận của mình là, GV trường tư đa số còn trẻ. Và đi kèm là kinh nghiệm còn khá non nớt.

Điều quan trọng không kém, là trường tư thường xem HS hoặc PH là “khách hàng”, nên thái độ cư xử của GV trường tư thường nhúng nhường với HS và cả PH nữa. Rất là khổ. Cảm giác như thầy cô không có nhiều quyền lực như GV trường công.

Ở SG, trường Đinh Thiện Là một trường tư, có thể nói là trường tư xịn nhất. Là trường tư mà phải xét tuyển, phải chọi nhau, phải chuẩn bị từ sớm trước mấy năm thì mới được vào học.

Nhưng GV của trường Đinh Thiện Lý, so với GV trường công mà 3 con mình đã từng học qua, đều kém hơn rất nhiều. Kém từ năng lực chuyên môn, đến thái độ, tư duy và kỹ năng.

  • Cô giáo TA dạy lớp 6 trường ĐTL của Khuê trẻ măng. Mình không biết cô tốt nghiệp với bằng cấp gì, nhưng mình nghĩ, kiến thức TA của cô không tốt bằng HS mà cô đang dạy. Cô vào lớp chỉ cho HS làm bài tập trong lớp 1 cách máy móc, chấm điểm 1 cách máy móc, follow theo sách 1 cách máy móc. Có thể nói GV TA của trường ĐTL vô cùng đáng thất vọng.

  • GV CN lớp 7 của Khuê là một thầy dạy thể dục, còn nhỏ hơn 2 con trai của mình nữa. Kinh nghiệm quá non nớt, không biết cách quản lý lớp từ những việc nhỏ như: đồng phục bị sai, thiếu; trường quên công bố và phát thưởng cho HS lớp mình đạt giải thành phố/ quốc gia; không phối hợp với các GV bộ môn để cross-check thông tin. Lơ ngơ như con nai vàng ngơ ngác.

  • Về kỹ năng: thầy cô giao bài tập dự án cho HS quá nhiều. Nhưng chính thầy cô cũng không hề có kỹ năng quản lý dự án. Thầy cô không hiểu rằng, quản lý dự án là 1 kỹ năng. Nói tới kỹ năng thì phải training (huấn luyện), chớ không phải teaching (giảng dạy). Huấn luyện kỹ năng khác với giảng dạy kiến thức. Nhưng đội ngũ GV của trường không hiểu và không làm được, lại bắt HS phải gánh lấy bài tập dự án quá nhiều. Mỗi một bài tập dự án, HS đều khổ như tham gia 1 trận chiến, lôi kéo cả PH vào cuộc. Nói tóm lại, GV trường ĐTL không có kinh nghiệm và kỹ năng quản trị dự án, càng không có kỹ năng huấn luyện. Chu choa, nó rối như canh hẹ.

  • Tỉ lệ GV trường ĐTL nghỉ việc rất lớn. Liên tục nghỉ việc và liên tục tuyển mới. Mình không hiểu tại sao. Nhưng, mình cho rằng: tỉ lệ nghỉ việc quá cao thì chứng tỏ môi trường làm việc không tốt. Hơn nữa, giáo dục là một ngành tương tác với trẻ em liên tục, mỗi ngày, nên kinh nghiệm giảng dạy là điều vô cùng quan trọng. GV trẻ chiếm số lượng quá cao và tuổi đời, tuổi nghề quá non trẻ (vừa mới tốt nghiệp) là một điểm trừ cho bất cứ môi trường giáo dục nào.


Ngoài trường ĐTL, mình cũng đã tìm hiểu thêm ở các trường tư khác. GV trường tư có tâm lý sợ/ ngại PH complain, nên thường họ chọn những gì dễ dàng nhất mà làm. Để an toàn nhất, để ít bị rủi ro nhất. Chớ họ không vì HS, không đứng trên quan điểm của HS. Mà không phải chỉ riêng GV nghĩ vậy, mà thái độ của nhà trường và BGH đều như vậy.

Một ví dụ thường gặp nhất là: PH trường tư đa phần luôn yêu cầu “con tui được học vui vẻ, không áp lực, không bài tập…”. Vì thế, GV trường tư càng không dám nghiêm khắc, không dám la phạt HS. Mà HS thì cứ thế mà nhờn, mà cười giỡn rần rần trong lớp chớ có sợ thầy cô mà ngồi yên nghe giảng đâu. Đã vậy còn không cho bài tập về nhà. Cuối cùng, bao nhiêu % kiến thức chui vào đầu HS thì không ai dám chắc.

Tuy vậy, nhưng GV trường tư càng không dám cho điểm kém. Bởi hễ con cái bị điểm kém thì PH lại complain. Nên dù chất lượng dạy & học có vấn đề gì đi nữa, thì điểm số của HS trường tư thường khá tốt trở lên. Đó là lý do mà nhiều PH vỡ mộng khi mang con ra ngoài test.

Cách thức vận hành của trường tư, nó khiến cho GV không có mấy quyền lực. Ngược lại, quyền lực nằm trong tay HS và PH khá lớn. Chính vì vậy, GV càng ngày càng “làm cho xong việc”, chớ không thiết tha cải tiến công việc, cũng không la mắng chỉnh đốn học trò làm chi. Mắc công lại rước rắc rối vào người.

Những trường tư nổi tiếng tại HN thì sẽ không bị “nạn” GV sợ HS và PH. Chỉ những trường tư mà chạy theo kinh doanh thì sẽ bị và do vậy, chất lượng GV đầu vào từ khâu tuyển dụng đã gặp khó khăn rồi.

Với những trường tư nổi tiếng tại HN, có thể nguồn GV tốt và ổn định hơn. Nhưng, ở SG, mình có thể nói là, GV trường công giỏi hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn và bản lĩnh hơn hẳn các thầy cô ở trường tư. Đó là điều chắc chắn.

***

Trường công tạo anh hùng

Quay lại với trường công. Như mình đã phân tích, trường công có học phí rẻ như vậy, là do được nhà nước bao cấp.

Nếu bạn nghĩ về nguồn lực giáo dục tương tự như nguồn lực tài chính, bạn sẽ thấy nó quan trọng đến thế nào.

Bạn thử hình dung, người giàu có, có vốn liếng sẵn, nên cứ thế mà đầu tư chổ này chổ khác, cứ thế mà làm ăn. Và tiền đẻ ra tiền.

Với người có học, có giáo dục, có tri thức trong đầu, nên cứ thế mà bán chất xám, bán kiến thức, hoặc kinh doanh bằng chất xám và kiến thức. Lúc này, tri thức đẻ ra tiền.

Với nguồn lực tài chính, nhà nước đâu có bao cấp. Nhà nước đâu có chương trình cho vay với lãi suất gần như bằng 0, suốt 12 năm liền, ai ai cũng vay được?

Nhưng, với nguồn lực giáo dục, nhà nước đã mở rộng cánh cửa cho mọi người, được học 12 năm, với học phí vô cùng rẻ, mà chất lượng quá ổn – so với học phí, hoặc so với hệ thống trường tư song song bên cạnh.

Nếu cta biết tận dụng nó, để tích luỹ tri thức, và biến nó thành chất xám; để dùng cho cả đời, thì cta sẽ thấy giá trị của nó.

Các thế hệ đi trước, cũng thuần học và tốt nghiệp từ trường công. Bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân… thành công. Tất cả đều từ trường công cả.

Vì vậy, nếu bạn dư dả tài chính, bạn cho con vào học trường tư cho thoải mái, chúc mừng bạn.

Nhưng nếu bạn không đủ tiền cho con vào trường tư, hoặc bạn có đủ tiền đó, nhưng bạn muốn để dành đầu tư cho ĐH, như mình chẳng hạn, thì bạn cứ tự tin thẳng tiến đến trường công.

Trường công tạo ra các anh hùng; đã, đang và sẽ tiếp tục như thế.

CÓ NÊN HỌC TRƯỜNG CÔNG?

Phần 5 – SO SÁNH TỔNG QUAN 3 YẾU TỐ CHỌN TRƯỜNG

Trước khi mình viết tiếp bài này, mình chia sẻ thêm vài ý. Bài viết này mình phân tích đa chiều và khách quan, để mọi người đánh giá và lựa chọn. Chớ mình không nói là ai ai cũng nên quay về trường công. Again, chọn trường, điều quan trọng nhất chính là cái túi tiền, nếu cảm thấy học trường tư, hoặc trường quốc tế, mà vẫn thoải mái, thì cứ học nha. Còn nếu phải thấy phải gồng quá, thì thôi, mình quay về học trường công cho nó nhẹ.

Việc khen chê trường lớp, khen chê hệ thống giáo dục, ở đâu cũng có. Tại vì mình nghe mọi người chê trường công quá, nên mình mới viết loạt bài này để PH biết hay – dở ở đâu để chọn.

Theo quan sát của mình, thì trường nào cũng bị chê, hệ thống giáo dục nào cũng bị chê. Mình ở trong group các trường tư, trường quốc tế, mình nghe chê tơi bời. Chưa kể PH nhắn tin cho mình chê tơi bời. Chê toàn những trường có tên tuổi hàng đầu đó chớ. Rồi mình ở trong group của Mỹ, cũng nghe PH Mỹ chê trường học, chê hệ thống giáo dục Mỹ tơi bời.

Vậy, mình nói nhanh luôn: trường nào cũng bị chê hết, giáo dục ở đâu cũng bị chê hết. Tóm lại, bạn phải tỉnh táo chọn làm sao để:

  • Phù hợp với tài chính gia đình

  • Phù hợp với mục tiêu gia đình


Vì vậy, mình công tâm mà nói rằng:

  • Vì mình chỉ có chừng nớ tiền, nên mình chọn trường công cho con. Và mình bù thêm bằng việc học thêm những môn quan trọng.

  • Nhưng nếu mình có đủ tiền, mình sẽ lập tức chọn trường tư, hoặc trường quốc tế cho con. Và mình vẫn cho con học thêm những môn quan trọng cho con đủ giỏi.


Vì sao?

Vì dù bạn học ở đâu, thì muốn giỏi, vẫn cần học thêm. Dù ai nói ngã nói nghiêng “con tui không học thêm vẫn giỏi”, thì kệ người ta. Có thể vẫn có trường hợp đó, nhưng đó là “con nhà người ta”, và con số đó chưa đến 1% hoặc có thể nói là 1 phần ngàn. Con mình không được như vậy, nên mình đừng lấy những trường hợp đặc biệt đó ra để áp dụng theo.

Học thêm, nên được hiểu theo nghĩa rộng, là học để phát huy tối đa khả năng học thuật của con, phù hợp với thiên hướng học thuật của con.

Học thêm không chỉ học về kiến thức, mà còn học kỹ năng, nghệ thuật, thể thao…

Ở đâu cũng có học thêm, kể cả ở Anh và Mỹ, kể cả ở những trường tư xịn nhất của Mỹ. Nhà giàu thượng lưu cho con cái học trường tư với học phí cao ngất ngưỡng, vẫn mời thêm gia sư về nhà dạy kèm cho con.

Nhà văn Blythe Grossberg, tốt nghiệp Đại học Harvard và tiến sĩ tại Đại học Rutgers, đã được các gia đình thượng lưu mời làm gia sư trong gần 20 năm, cho con cái của họ (ảnh). Các bạn đọc thêm về việc mời gia sư dạy kèm ở Anh và Mỹ nha:

  • Thu nhập nghìn đô-la mỗi giờ từ nghề gia sư
  • Đường vào ĐH của con nhà siêu giàu
  • Dịch vụ gia sư riêng bóc trần khoảng cách giàu nghèo ở Mỹ

Nói tóm lại, muốn giỏi, dù học ở đâu, học trường nào, cũng phải học thêm. Và, từ đây về sau, các bạn đừng thắc mắc gì về việc học thêm nữa nhen. Mình sẽ viết bài cụ thể hơn để chia sẻ nên học thêm những gì ở từng cấp học.

Quay lại với việc trường công hay tư, hay quốc tế; nếu có điều kiện, thì mình sẽ sẵn sàng chọn trường tư, hoặc trường quốc tế – như hiện nay, Khuê đang học trường quốc tế Canada CIS nè.

Vì sao mình khen trường công cho đã đời, rồi mình lại chọn trường quốc tế cho con mình?

Là bởi, học ở trường nào, thì cũng phải học thêm.

  • Nếu mình ít tiền, mình học trường công cho rẻ, rồi mình để dành tiền đó, cho con đi học thêm.

  • Nhưng nếu mình có đủ tiền, thì mình cho con học trường tư, hoặc trường quốc tế, và vẫn cho con đi học thêm.


Nhưng, học ở trường tư và trường quốc tế, thì nó khác trường công ở chổ:

  • Chương trình học nhẹ hơn: chính vì vậy, con mình còn thời gian để học thêm những môn quan trọng, hoặc môn con thích.

  • Thái độ và quan điểm của trường tư: cởi mở hơn, tôn trọng HS hơn, lắng nghe HS hơn. HS không bị áp đặt, không bị nhồi nhét. HS vui vẻ và tự tin hơn. Đặc biệt đối với các bé kém tự tin, nhút nhát, có vấn đề khó khăn (như Khuê nhà mình)… thì trường tư là một lựa chọn tốt (miễn sao là gia đình có thể kham nổi đường dài).

  • Phát triển tư duy: ở trường quốc tế, giáo trình sử dụng 100% của Anh/ Mỹ/ Úc/ Canada, và GV bản xứ được tuyển chọn từ nước ngoài. Tư duy của giáo viên nước ngoài và tư duy giáo dục của trường quốc tế nói chung, là một điều rất giá trị. Môi trường giáo dục quốc tế có ý nghĩa nhất ở điểm này.


Ví như con nhà bình dân, cta chỉ mong gia đình có cơm ăn đủ no là vui rồi. Tương tự, thì trường công là trường cung cấp cho ta đầy đủ kiến thức là chính.

Con nhà trung lưu khá giả thì cần nhiều hơn, cần sự tôn trọng, cần sự lắng nghe. Tương tự, trường tư có thái độ rất tôn trọng trẻ, lắng nghe trẻ, có sự thấu hiểu về tâm lý trẻ, ứng xử phù hợp tâm sinh lý của trẻ. Nhờ vậy, mang đến sự tự tin cho trẻ. Trẻ đi học vui hơn, không cần phải sợ cô la, sợ thầy mắng, sợ bị kỷ luật. Tóm lại, trẻ học trường tư có sức khoẻ tinh thần tốt hơn, dù chưa chắc thành tích học tập tốt hơn HS trường công, nhưng trẻ tự tin và vui vẻ, hoạt bát hơn. Mental health là một trong những vấn đề mà các nước văn minh rất quan tâm. Nếu gia đình mình đủ điều kiện, thì học trường tư vẫn là sự lựa chọn tốt hơn.

Với con nhà giàu và có tri thức, thì sẽ chú trọng vào việc trẻ được quan tâm phát triển phần tư duy. Tư duy của một con người, vốn là điều chiếm vai trò quan trọng trong cuộc sống, trong thành công, trong hạnh phúc.

Những loại tư duy mà cta cần giúp con phát triển là: tư duy độc lập, tư duy tích cực, tư duy logic, tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, tư duy kiến tạo…

Giáo dục và phát triển tư duy bậc cao là công việc không đơn giản. Trường quốc tế, với sự đầu tư ngân sách khá lớn, có thể mang đến một nguồn nhân lực có chuyên môn cao, năng lực chuyên nghiệp; có thể giúp được ít nhiều trong việc giúp trẻ định hình và phát triển tư duy đúng đắn và sâu sắc.

Nhìn rộng ra, năng lực của một con người gồm 3 phầnkiến thức, kỹ năng và tư duy.

  • Trường công chú trọng dạy phần kiến thức: bởi vì, dù gì đi nữa, các trường đều cố gắng đạt thành tích mỗi năm. Nên BGH và tập thể giáo viên luôn đặt nặng vấn đề thành tích học tập, thông qua điểm số và tỉ lệ tốt nghiệp.

  • Trường tư giúp trẻ phát huy hơn ở phần kỹ năng: nhờ học ít, chơi nhiều. Trẻ con được chơi với nhau thường xuyên (mà không phải chơi game), tương tác trực tiếp, thì sẽ phát triển được các kỹ năng xã hội: giao tiếp, làm việc nhóm. Tuy nhiên, với 1 số kỹ năng bậc cao thì cần phải được học/ huấn luyện với các chuyên gia giỏi.

  • Trường quốc tế tôn trọng tối đa HS, luôn giúp HS hình thành tư duy độc lập và phát triển tư duy. Đây là điều mà trường công gần như không làm được.


Vậy thì, cta cần làm 1 bài toán: cân nhắc:

Nếu đủ tiền học trường quốc tế: trả học phí rất cao, nhưng con có tư duy tốt, con học vui vẻ, nhẹ nhàng. Con học ít, vừa phải. Thời gian còn lại, cha mẹ tha hồ “điền vào chổ trống” với những môn quan trọng (cho ngành nghề trong tương lai), môn cần thiết cho con (những kỹ năng con cần cải thiện), hoặc những môn con thích (để giúp con thư giãn, hoặc khoẻ mạnh). Lộ trình này dĩ nhiên là tối ưu nhất, con được cả 3 món: tư duy, kỹ năng và kiến thức.

Nếu đủ tiền học trường tư: trả học phí cao, nhưng con học vui vẻ, học cân bằng. Con hoạt bát, tự tin, năng động (nhưng không giỏi). Cha mẹ cần theo sát con, quan sát con và cho con học thêm (như trên). Lộ trình này vẫn giúp con học giỏi, có kỹ năng tốt, sức khoẻ tinh thần tốt. Có điều, để giúp con phát triển tư duy thì cha mẹ phải tìm tòi thêm. Mình sẽ viết riêng một chủ đề về Tư duy. Miễn sao, cha mẹ đừng chủ quan, đừng giao phó 100% con cho trường tư. Trường tư + theo sát chặt chẽ và đầu tư đủ, đúng = tuyệt vời. Bạn sẽ có 1 em bé phát triển lành mạnh và năng lực không thua ai.

Nếu cta chọn trường công: lúc này cta phải vất vả nhiều hơn. Bạn cần phải cải thiện cả 3 món: kiến thức, kỹ năng và tư duy. Con học trường công, thì bố mẹ phải chịu cực hơn, phải bỏ tâm dốc sức nhiều hơn. Và quan trọng nhất, phải biết cân nhắc, biết thứ tự ưu tiên: cái gì phải làm, cái gì chưa cần làm, và cái gì không cần làm. Phải biết chọn những gì quan trọng và thiết thực: kiến thức học đủ để giỏi, kỹ năng quan trọng phải có và tự tìm tòi để nâng cao tư duy.

Ngoài ra, ở trường công, việc đối phó với những bất cập của trường là điều không đơn giản. Nếu cha mẹ cứ phó mặc hoàn toàn cho 1 đứa trẻ tự tồn tại, tự bơi trong một môi trường, một hệ thống giáo dục công, vốn đã khắc nghiệt với người lớn (là thầy cô), thì quá tội cho con.

Cta hiểu rằng, vì vấn đề tài chính, nên cta quyết định đưa con vào trường công. Bên cạnh đó, mình cũng nên tìm hiểu trước các vấn đề của trường công.

  • Hiểu để tìm giải pháp.

  • Hiểu để chuẩn bị.

  • Hiểu để hoá giải.

  • Hiểu để ngăn chặn nó trước khi nó xảy ra.

  • Hiểu để có một kế hoạch dự phòng.


Kết luận:

  • Cta chọn trường nào, thì cta cần hiểu thật rõ sự lựa chọn của mình. Đừng chọn trường vì những kỳ vọng và ảo tưởng không thực tế.

  • Dù con học trường nào, vai trò của cha mẹ cũng cực kỳ quan trọng trong việc giúp con phát triển thành 1 phiên bản tốt hơn. Đừng giao phó 100% cho nhà trường.

  • Nếu mình chọn trường công, cta nên hiểu nhiều hơn, thương yêu và tôn trọng GV nhiều hơn, và cùng chia sẻ gánh nặng với thầy cô trong hành trình giáo dục con.


Trong hàng chục triệu HS đang đến trường trong cả nước, có bao nhiêu PH hiểu về vai trò và nhiệm vụ của mình đối với con cái? Nếu các bạn là một trong những người ít ỏi nhận thức được điều này, thì mình tin rằng, dù con bạn học ở đâu, con sẽ tiến bộ khác biệt hơn người.

Tâm sức của cha mẹ dành cho con cái là sự quý giá thiêng liêng, mà không bao giờ tiền bạc có thể mua được.

Dù ít hay nhiều tiền, nhưng nếu bạn tận tâm tận lực với con cái, thì tụi nhỏ sẽ đủ đầy tình thương, hạnh phúc và trưởng thành theo một cách tốt nhất, mà cta có thể tự hào.

CÓ NÊN HỌC TRƯỜNG CÔNG?

Phần 6 – CÁC KỲ THI CỦA ĐỜI HỌC SINH

Hệ thống giáo dục ở trường công VN, chú trọng vào một mục tiêu quan trọng cơ bản nhất, là cung cấp kiến thức. Điều này quá đúng rồi chớ còn gì nữa. Đất nước còn khó khăn, người dân còn nghèo, thì phải chú trọng đến những vấn đề cơ bản trước mắt. Nói nôm na, con nhà nghèo thì phải lo học hành để ổn định cuộc sống đã. Có thực mới vực được đạo. Cuộc sống còn vất vả trăm bề, thì mình cần phải nghĩ đến những việc thiết thực.

Một cách khách quan, nếu các bạn xem kỹ nội dung, khối lượng kiến thức của BGD, thì sẽ thấy không có gì là quá khó, hay nhồi nhét cả. Nói cho cùng, mục tiêu thực tiễn nhất mình cần làm là phải học cho xong ĐH/ Cao đẳng, để tốt nghiệp và đi làm.

Để các bạn có cái nhìn toàn cảnh, hình dung ra rõ ràng những kỳ thi, những cuộc thi nào là quan trọng mà con cần học đủ tốt để vượt qua, bài viết này, mình đi vào phân tích cụ thể ở từng cấp học:

  • Các kỳ thi học kỳ hàng năm

  • Xét tuyển chuyển cấp từ lớp 5 lên lớp 6

  • Kỳ thi chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10

  • Thi tốt nghiệp PTTH

  • Thi/ xét tuyển vào ĐH


Nhiều người nói rằng, nếu không học thêm, không học nhiều, thì sẽ thi trượt, sẽ bị điểm kém. Cta hãy thử điểm lại, những gì mà trẻ phải đối mặt suốt 12 năm:

1. Thi học kỳ:

Là do trường ra đề thi. Trường chuyên, trường CLC, trường điểm, trường top trong khu vực… thì các đề thi sẽ khó hơn bình thường. Nếu bạn đã chủ động đưa con vào các trường này, thì do bạn tìm đến áp lực, chớ có phải BGD tạo áp lực cho bạn đâu?

Ngược lại, ở các trường công bình thường, mức độ khó của bài thi học kỳ rất vừa phải. Nếu muốn con không áp lực, bạn cứ chọn trường công có hạng khá là được. Chị nói các bạn đừng giận, mình chọn thì mình chịu, chớ đừng đổ lỗi cho hệ thống giáo dục nữa nha.

2. Xét tuyển chuyển cấp từ lớp 5 lên lớp 6:

Cơ chế xét tuyển theo tuyến, chớ không có thi cử áp lực. Tin vui nhất là, năm nay BGD đang thí điểm 1 quy định mới “Khi con lên cấp 2, con sẽ theo đúng tuyến (theo hộ khẩu) và được học ở trường gần nhà nhất”. Mình cho rằng, 1 trong những tiêu chí quan trọng để chọn trường của mình là gần nhà. Nên, mình nhiệt liệt hoan nghênh và cảm ơn tất cả ban ngành giáo dục nào đã ra quyết định hay ho và sáng suốt này.

Thi tuyển vào lớp 6: chỉ có trường chuyên (HN có trường Ams, SG có trường Trần Đại Nghĩa) mới có thi tuyển. Còn tất cả trường còn lại chỉ được xét tuyển, ngay cả trường Đinh Thiện Lý cũng chỉ được xét tuyển mà thôi. Nếu bạn muốn con mình vào những trường toàn là “con nhà người ta” thì đương nhiên, bạn phải chấp nhận con sẽ có áp lực học tập rồi đó.

Ở cấp 1, nếu các bạn không cho con học ôn luyện vào trường chuyên cấp 2, thì 5 năm tiểu học, chỉ cần cho con học tốt 3 môn: Toán, TV và TA. Trong đó, TA là cần đầu tư nhất. Chị sẽ viết cụ thể trong 1 bài sau.

3. Thi chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10:

Có thể nói, đây là cuộc thi cam go nhất của HS. Vài PH nói với mình rằng, cuộc thi này vất vả hơn là thi tốt nghiệp trung học nữa. Mình đồng ý, mình hiểu và thông cảm với PH ở khu vực HN. Vì HN phát triển đô thị quá nhanh, nhưng tốc độ xây dựng trường công không theo kịp, nên xảy ra sự thiếu hụt trường công. Hàng năm, tại HN, sẽ có mấy chục ngàn HS không được vào trường công. Đồng nghĩa các con phải học ở trường tư, với học phí chênh lệch khá lớn. Đây là một vấn đề thực tiễn. Khó khăn này cần được các PH nghiên cứu kỹ, để có chiến lược dài hạn và giải pháp khả thi.

Năm nay, Hà Nội dự kiến tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập khoảng 72.000 học sinh (tăng 1.000 học sinh so với năm học 2022 – 2023), chiếm tỷ lệ 55,7%.

Điều này cho thấy, tuy con số tuyển sinh đã tăng 1.000 HS so với năm ngoái – là 1 sự tiến bộ. Nhưng, có đến 44.3% HS không được vào trường công. Các con phải qua học trường tư. Gần 50% HS phải tự tìm con đường khác để tiếp tục học tập. Mong rằng trong tương lai, HN sẽ làm giảm con số này.

Tuy vậy, PH cần có tầm nhìn xa hơn ở chổ này. Vì tỉ lệ 50 – 50 là khá lớnCứ 2 bạn thì sẽ có 1 bạn bị trượt. Nên, như mình đã từng khuyên, tài chính của gia đình nên được tích luỹ và ưu tiên đầu tư từ cao xuống thấp: ĐH –> Cấp 3. Thay vì cho con học trường tư xịn xò từ mẫu giáo, cấp 1… thì trước tiên, bạn cần tích luỹ đủ tài chính cho hệ ĐH và cấp 3 đã. Nếu bạn đã có dự trù đủ tài chính cho con học trường tư ở cấp 3, thì bạn có thể yên tâm về đường dài. Cha mẹ và con đỡ phải căng thẳng cho kỳ thi này.

May mắn cho PH ở SG, không phải quá lo lắng về điều này. Ở SG, tỉ lệ chọi không khắc nghiệt bằng.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2022 – 2023, toàn thành phố có 93.981 thí sinh đăng ký dự thi. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của 114 trường THPT công lập là 72.784 học sinh. Dự kiến khoảng 20.000 học sinh sẽ trượt lớp 10 công lập. Tính tỉ lệ thì có 77.5% HS học trường công và 22.5% HS phải học trường tư.

Với mức thu nhập của 1 tp lớn như SG, thì 22.5% HS học trường tư này, phần lớn đã đến từ sự chủ động của tầng lớp trung lưu trở lên; họ chủ động chọn trường tư cho con em họ rồi. Nên, sự cạnh tranh vào trường công ở SG không khắc nghiệt như ở HN.

Vì vậy, các PH ở HN, ngoài việc chuẩn bị tài chính như một kế hoạch dự phòng, thì mình cần:

  • Vẫn là học cho tốt, cho vững 3 môn thi tuyển của kỳ thi chuyển cấp này: Toán, Ngữ Văn và tiếng Anh. Để học tốt 3 môn này, thì mình cho rằng, không có gì là khó khăn hết. Ngay từ cấp 1 con đã học tốt 3 môn này rồi, mình cứ tiếp tục duy trì thôi.

  • Trong 4 năm của cấp 2, mình cần xác định 2 môn tổ hợp mà con sẽ chọn trong cấp 3. Chọn sớm và học sớm thì tốt.

  • Đặc biệt, nếu muốn vào trường chuyên cấp 3, thì cần: chọn 1 môn học cho thiệt giỏi để thi chuyên. Tuỳ vào mục tiêu đường dài của mình ở bậc ĐH mà cân nhắc chọn môn chuyên nha: chuyên Anh, chuyên Văn, hay chuyên Toán. Hoặc có thể chọn 1 trong 2 môn tổ hợp (của cấp 3) trong nhóm các môn sau: Hoá, Lý, Sinh, Tin…


4. Thi/ xét tuyển vào ĐH:

Để vào ĐH suôn sẻ, thì 3 năm trung học rất quan trọng.

Nếu bạn muốn cho con học ĐH tại VN. Trước hết, mình cần xem cơ chế tuyển sinh của các trường ĐH. Theo trang web của Báo Điện tử chính phủ:

“Hiện nay, các phương thức xét tuyển ĐH gồm:

  • Xét bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT

  • Xét tuyển bằng học bạ

  • Xét tuyển thẳng

  • Xét tuyển ưu tiên và xét tuyển bằng kỳ thi riêng của trường”


A. Xét tuyển ĐH bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT

  • Kỳ thi tốt nghiệp gồm 5 môn: 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, TA. 2 môn còn lại sẽ là môn tổ hợp: hoặc là Khoa học tự nhiên, hoặc là Khoa học Xã hội.

  • Vậy, 3 môn Toán, Văn, Anh là 3 môn mà con phải học tốt, để đạt điểm tối đa cho kỳ thi tốt nghiệp.

  • Nhưng, như nhiều bạn đã góp ý, kỳ thi tốt nghiệp này không quá khó, không cần con phải học chuyên, học thêm luyện thi thiệt nhiều thì mới đạt điểm cao. Học tốt, học đều là đủ.

  • Theo báo Tuổi Trẻ: HS sẽ được “miễn bài thi tiếng Anh tốt nghiệp THPT nếu có IELTS 4.0 trở lên. Khi được miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ, thí sinh sẽ được tính 10 điểm ở môn này để cộng vào điểm xét tốt nghiệp THPT.

  • Tuy nhiên, trao đổi về quy định này, ông Lê Mỹ Phong, phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và đào tạo), cho biết: Việc miễn thi và tính tương đương 10 điểm bài thi ngoại ngữ trong trường hợp có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đạt mức điểm tối thiểu như quy định chỉ áp dụng để xét tốt nghiệp, không sử dụng để xét tuyển đại học. Vì thế thí sinh muốn sử dụng điểm thi ngoại ngữ trong tổ hợp xét tuyển đại học thì sẽ vẫn phải dự thi để lấy kết quả xét tuyển”.

  • Nhưng, để xét tuyển ĐH môn TA, cũng không cần phải thi. Các trường ĐH top đầu như ĐH Ngoại thương, ĐH Luật, ĐH Bách Khoa HN/ TP. HCM, ĐH Quốc Gia HN, ĐH Kinh tế Quốc dân… đều dùng kết quả IELTS để xét tuyển. Tuỳ theo trường, mà điểm IELTS được quy tương đương: IELTS từ 5.5 – 8.0 sẽ tương đương 8 – 10 điểm môn TA.

  • Với 2 môn tổ hợp, tuỳ con theo ngành nào mà con chọn. Các bạn cần xác định ngành nghề con thích và tương ứng là 2 môn con chọn. Càng sớm càng tốt. Bên cạnh 3 môn chính (Toán, Văn, Anh) thì 2 môn tổ hợp sẽ là 2 môn con cần đầu tư. Con cần học thật giỏi thật 2 môn này. Giỏi đủ để đạt đầu vào xét tuyển ĐH, rộng đường vào ĐH, và đủ giỏi để con học tốt ở bậc ĐH.

  • Nhiều lúc mình thấy nhiều bạn bè của mình, rất phí phạm thời gian của con. 3 năm trung học cho con học chuyên Lý, rồi vào ĐH thì con học Kinh Tế??? Có bạn cho con học chuyên Toán từ lớp 1, nhưng khi du học thì không đủ tự tin để học các môn Khoa học liên quan ngành Hoá.


B. Xét tuyển bằng học bạ

  • Xét điểm học bạ trong 3 năm: lớp 10, 11, 12. Để được GPA cao, thì tuỳ vào năng lực của con mà các bạn cho con học trường chuyên, công hay tư.

  • Trường chuyên, kể từ năm nay, không có lớp thường, chỉ có lớp chuyên. Muốn vào chuyên thì phải học chuyên. Nhưng học chuyên thì sẽ được ưu tiên cộng điểm cho các môn khác, nên thường các bạn học chuyên có điểm GPA rất cao. Đây là 1 lợi thế, không những cho ĐH trong nước, mà còn cho việc săn học bổng du học.

  • Tuy vậy, từ khi có cơ chế xét tuyển bằng bảng điểm học bạ thì tình trạng lạm phát điểm tăng đột biến. Trường chuyên cộng điểm ưu ái cho HS chuyên đã đành. Trường tư càng cho điểm rộng rãi. Các trường công thấy vậy thì cũng thiệt thòi cho HS trường mình quá, thế là điểm số leo thang. Nhưng vẫn có các trường thật sự nghiêm túc, không cho điểm tràn lan. Nhất là các trường quốc tế xịn. GV nước ngoài cho điểm rất công minh, họ không chịu cho điểm để vừa ý PH. Kế đến là những trường công xịn, có tiếng xưa giờ ở SG (Nguyễn Thượng Hiền, Gia Định, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai…) những trường này muốn đạt điểm cao thì học lòi con mắt. Mình nghĩ cũng không phải là GV các trường này làm khó HS làm gì. Nhưng, một cách tự nhiên, vì đầu vào toàn là HS giỏi, nên level của thầy cô tự động tăng, mức độ yêu cầu tự động cao hơn, điểm số chấm bài sẽ khó hơn. Vì ai cũng giỏi mà; nên bài tập, bài kiểm tra, và bài thi đều khó hơn so với mặt bằng chung.

  • Vì vậy, các bạn muốn cho con vào trường cấp 3 xịn hay không, thì tuỳ các bạn cân nhắc, dựa trên mục tiêu của mình nha.

  • Vấn đề điểm số ở các trường công cấp 3 HN thì mình chưa đủ nhiều dữ liệu. Mình cần các bạn góp ý thêm nhé.


C. Xét tuyển bằng kỳ thi riêng/ hoặc kỳ thi đánh giá năng lực

  • Các trường ĐH top cao sẽ có kỳ thi riêng do các trường xây dựng, để trường tuyển đầu vào chặt chẽ hơn – nhằm đối phó với nạn lạm phát điểm GPA, vì cũng vì kỳ thi tốt nghiệp cũng quá dễ so với yêu cầu học thuật của trường.

  • Trường ĐH Bách Khoa, trường ĐH Quốc gia HN, ĐH Quốc gia tp HCM đều có kỳ thi này. Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội gọi đây là Bài thi đánh giá tư duy.


D. Xét tuyển thẳng, xét ưu tiên

  • Xét tuyển thẳng: tuỳ trường ĐH mà sẽ xét tuyển thẳng cho những thành tích: HS Giỏi cấp quốc gia, thành phố/ tỉnh… Theo mình biết, anh thầy dạy kèm môn Hoá cho Khuê là cựu HSG cấp quốc gia môn Hoá, nên bạn ấy được tuyển thẳng vào học ngành Dược ở trường ĐH Y Dược TP. HCM.

  • Rất nhiều người chọn chiến lược này: học chuyên, đi thi HSG để được tuyển thẳng vào ĐH. Nhưng phải học môn đúng ngành mình chọn thì mới đáng công, như anh bạn gia sư môn Hoá của Khuê. Đừng như con của bạn ông xã nhà mình, học chuyên Lý xong, chỉ để được tuyển thẳng vào ĐH Kinh Tế.

  • Ngoài ra, các trường ĐH top cũng xét tuyển ưu tiên bằng các kỳ thi/ chứng chỉ đánh giá năng lực. Năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội xét tuyển các chứng chỉ quốc tế bao gồm: SAT, ACT, A-Level, AP và IB. Điều kiện xét tuyển là thí sinh có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11, 12 đạt 8.0 trở lên, có ít nhất một trong các chứng chỉ quốc tế nói trên. Điểm xét tuyển của các kỳ thi này sẽ được xét chọn từ cao xuống thấp.

  • Chứng chỉ SAT, không chỉ dùng để được ưu tiên xét tuyển cho các trường ĐH top đầu của cả nước, mà còn được các trường ĐH Châu Âu xét tuyển, hoặc trường ĐH Taiwan xét cấp học bổng, và trường ĐH Úc cũng dựa chọn SAT là 1 trong những tiêu chí để tuyển sinh.

  • Vì vậy, trong 3 năm trung học, bạn cần cho con làm quen, học và thi SAT, thì cơ hội cánh cửa ĐH sẽ mở ra nhiều hơn cho con.

  • Tương tự, AP/ A-level cũng sẽ được ưu tiên xét tuyển. Nhưng nếu con không có ý định du học, thì mình nghĩ, con không cần học mấy món này. Chỉ cần học SAT là đủ.

  • Cuối cùng, việc xét ưu tiên theo chính sách của nhà nước: Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc đã tốt nghiệp THPT.


Nên đầu tư ngược hay không?

Có vài bạn hỏi rằng:

  • Thay vì làm như chị khuyên: tiết kiệm đủ tiền ở bậc ĐH –> cấp 3… thì em đầu tư cho con học trường tư CLC ngay từ cấp 1, học cho thiệt giỏi, để em săn học bổng trường quốc tế, và săn học bổng ĐH, được không?

  • Thay vì làm như chị khuyên: tiết kiệm đủ tiền ở bậc ĐH –> cấp 3… thì em đầu tư cho con học trường tư CLC ngay từ cấp 1, học cho thiệt giỏi, để em cho vào trường chuyên (cấp 2 và 3), rồi sau đó là săn học bổng ĐH, được không?


Vì bài viết này đã quá dài, và chị trả lời nhanh ở đây:

  • Cái gì cũng có thể

  • Vấn đề là: lựa chọn cái gì thì phải có lộ trình cụ thể cho nó
  • Sự lựa chọn của cta cần nhìn vào tính khả thi: con đường nào khả thi hơn thì sẽ tốt hơn

  • Sự lựa chọn của cta cần nhìn vào mức độ áp lực: con đường nào ít áp lực hơn, thì sẽ tốt hơn
  • Sự lựa chọn của cta nên nhìn từ 2 hướng: áp lực đặt lên vai cha mẹ, hay áp lực đặt trên vai con. Nếu là chị, chị chọn áp lực đặt trên vai mình, và giảm áp lực cho con


Kết luận:

  • Đây là những kỳ thi mà các con phải trải qua, từ lớp 1 cho đến khi vào ĐH

  • Dựa vào các cơ chế thi cử và thi tuyển: từ thi học kỳ, đến xét tuyển chuyển cấp, đến thi chuyển cấp và xét tuyển/ thi tuyển vào ĐH: cần có tiêu chí gì, thì mình nghiên cứu và cho con học đúng và đủ để đáp ứng các tiêu chí đó.
  • Những kỳ thi nào có sự cạnh tranh cao: mình cần chuẩn bị kế hoạch dự phòng, như: để dành đủ tiền cho con vào học cấp 3 trường tư; hoặc học và thi IELTS, SAT để có nhiều cơ hội xét tuyển hơn; hoặc chuẩn bị tài chính cho con học ĐH hệ nâng cao, hệ tiên tiến, hệ liên kết…

Hy vọng bài viết này giúp các bạn có cái nhìn toàn cảnh hơn.

Nguồn: ST

Nguồn: Sưu tầm.

Phụ huynh vui lòng liên hệ Zalo: 0971661988 để nhận đầy đủ thông tin tư vấn tuyển sinh về trường Newton tại đây

Bài viết mới nhất

Hàng năm, Trường Tiểu học I-sắc Niu-tơn luôn tích cực tổ chức các hoạt động bổ ích, ý nghĩa hướng tới cộng đồng. Với triết lý “Mỗi học sinh là một nhà lãnh đạo tương lai”, Nhà trường không chỉ tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất, chương trình học mà còn chú trọng vào công tác thiện nguyện đóng góp cho xã hội. Ngày 11/01, Nhà trường tổ chức chương trình thiện nguyện ý nghĩa tới Làng Hữu Nghị Việt Nam (Hoài Đức, Hà Nội) để gặp gỡ và trao tặng các phần quà cho các cô chú, anh chị và bạn nhỏ trong Làng.

Vượt qua những thử thách đầy trí tuệ trước hàng nghìn thí sinh, AMO chính là cơ hội để học sinh Newton thể hiện năng lực cá nhân, hiểu biết, nhằm phát triển toàn diện và nổi trội cả về tri thức lẫn kỹ năng, sẵn sàng hội nhập quốc tế. Những giải thưởng cao và thành tích vượt cấp ấn tượng của học sinh đã khẳng định sự sáng tạo, đổi mới và chất lượng giáo dục hàng đầu tại Trường Tiểu học I-sắc Niu-tơn. Trong gần 15 năm gây dựng và phát triển, Newton không ngừng tạo nên những ngôi sao sáng trên bản đồ giáo dục Việt Nam và xây dựng tương lai tươi sáng cho các thế hệ học sinh tiếp theo. Chúc mừng các con học sinh, giáo viên tại Trường Tiểu học I-sắc Niu-tơn đã góp phần tạo nên một Kỳ thi AMO đáng nhớ trong năm học 2023-2024.

Chia sẻ tại chương trình Tiến sĩ Lê Thị Chính - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Hệ thống trường Liên cấp Newton nhấn mạnh: Trong những năm qua, Newton luôn nỗ lực tìm kiến, bổ sung, hoàn thiện một chương trình đào tạo, mô hình giáo dục để trang bị cho các con những kiến thức văn hoá, vốn tiếng anh vững vàng, những hiểu biết cần thiết để có thể đón nhận xu thế hội nhập ngày nay. Đồng thời, Newton luôn cố gắng tạo môi trường học tập cho các con để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, tạo cơ hội để các con phát huy tài năng của mình, được toả sáng - là những ngôi sao rực rỡ nhất.

Đón chào một tuần học mới đầy phấn khởi với nhiều hoạt động ý nghĩa, Thầy trò Nhà trường rất vui mừng khi trong thời gian vừa qua, các em học sinh đã giành được nhiều thành tích xuất sắc tại các kỳ thi trong nước và quốc tế: Kỳ thi Olympic trực tuyến FISO 2023-2024, Toán Quốc tế Hoa Kỳ AMO 2023, Kỳ thi Tin học trẻ cấp trường năm học 2023-2024,...

Đăng ký nhóm - Nhận ưu đãi giảm học phí 2024 - 2025

  • Hệ thống tự động sắp xếp gom nhóm để bạn được giảm học phí. Bạn chỉ cần điền thông tin và gửi, Sau khi nhận được thông tin, Chúng tôi sẽ tiếp nhận và tự sắp xếp bạn vào nhóm phù hợp để được giảm học phí. Sau đó sẽ thông báo lại cho bạn.
  • Bạn sẽ không cần phải tự tìm thêm học sinh mới. Chúng tôi chính là cầu nối để kết nối các học sinh cũ và học sinh mới với nhau.
  • Vùi lòng điền đầy đủ thông tin bên dưới và bấm “Đăng Ký” để hoàn thành.
Học sinh mới Giảm 10% + tặng thêm 500K
Học sinh cũ Giảm 10%
  • Địa điểm học*

  • Tên học sinh*

  • Ngày sinh*

  • Là học sinh*

    - Là học sinh chưa đăng ký nhóm nào,
    - Và chưa đặt cọc,
    - Và không thuộc mầm non liên kết.
    - Và không là con cháu giáo viên giới thiệu.

    - Là học sinh đang học ở Newton,
    - Hoặc học sinh đã đặt cọc.
    - Hoặc học sinh mầm non liên kết
    - Hoặc con cháu giáo viên giới thiệu.

  • Nhóm bạn đã có*

  • Ưu đãi

  • Tên phụ huynh*

  • Điện thoại / Zalo*

  • Email*

https://zalo.me/g/weffed838 Liên hệ 0971661988