Sáng Thứ Bảy, 11 tháng 2, tại hội trường tầng 10 trường THCS- THPT Newton đã diễn ra Hội thảo “Kỷ nguyên chuyển đổi số và những định hướng cho con khi chuyển cấp”. Chương trình diễn ra với sự tham gia của các diễn giả khách mời uy tín và lãnh đạo các trường trong hệ thống giáo dục Newton- Pascal:
- Nhà báo, MC Phan Đăng
- TS Trần Thành Nam: Trưởng khoa các KHGD trường Đại học Giáo dục- Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Đàm Quang Minh: Chủ tịch Hội đồng Quản trị hệ thống trường Newton
- Nhà giáo Lê Thị Bích Dung- Người sáng lập, Phó CT HĐQT hệ thống trường Newton- Pascal.
- Lê Thị Chính – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục hệ thống giáo dục Newton- Pascal
- Ths Hoàng Thị Mận- Hiệu trưởng trường THCS- THPT Newton
Và các thầy cô là lãnh đạo các trường thành viên trong hệ thống giáo dục Newton- Pascal.
Chương trình hội thảo với chiều sâu chuyên môn, sự cập nhật xu thế, phụ huynh đã có được những thông tin giá trị, cần thiết trong giai đoạn quyết định lựa chọn môi trường học tập phù hợp nhất cho con.
Mở đầu chương trình là những chia sẻ sâu sắc, thuyết phục và đầy cảm xúc của nhà báo Phan Đăng- từ góc nhìn của một người luôn thực hành tỉnh thức. Đó là những quan sát, trải nghiệm tự nhiên, chân thành nhất. Trên nền tảng những hiểu biết, tổng hợp về một thế giới số đang diễn ra với tất cả mọi người và tác động trên chúng ta từ mọi chiều, tắm nhân loại trong kỷ nguyên số không thể nào và không ai cưỡng lại được, nhà báo đã chứng minh, mọi con em chúng ta- các em học sinh đang ở trong một kỷ nguyên công nghệ số hiện đại đến diệu kỳ mà cũng đầy những hiểm nguy không dễ gì nhận diện. Đó là cơ hội để phát triển, cũng là thách thức phải vượt qua và là thước đo bản lĩnh sống. Và như thế câu chuyện HỌC của trẻ bây giờ không giản đơn chỉ là kiến thức mà điều quan trọng hơn nhiều là: bản lĩnh, cảm xúc, kỹ năng. Theo đó, một ngôi trường trẻ cần chính là nơi sẽ trang bị cho học trò những bài học chưa có trong sách giáo khoa như thế. Nhưng phụ huynh có thể thấy nó hiện diện trong triết lý giáo dục của một ngôi trường, trên gương mặt hạnh phúc và nguồn năng lượng tích cực có thể cảm nhận được từ các thầy cô.
Và câu chuyện của anh về ấn tượng khi ngồi trong phòng Hiệu trưởng trước giờ hội thảo về một cây xanh trên bàn làm việc với chiếc mầm nhỏ đang nhú lên là những cảm nhận thật đẹp, thật tự nhiên về một môi trường giáo dục.
Những chia sẻ chân thành chạm đến trái tim những người làm cha làm mẹ. Công cuộc trang bị bản lĩnh, bảo vệ và phát triển cho con em mình không còn bó hẹp trong những gì nhìn thấy khi sinh quyển của chúng ta đang là một Big Data rộng lớn và bề bộn của thông tin, thế giới thực và thế giới mạng song song tồn tại. Và phải làm thế nào? Phần chia sẻ tiếp nối của PGS. TS Trần Thành Nam đã đem đến câu trả lời cụ thể.
Trong nhiều thông tin quý giá và những điều tâm đắc mà PGS. TS Trần Thành Nam chia sẻ có những điều ấn tượng. Đó là: Chat GPT- kỷ nguyên của AI đang đến với chúng ta như một cơn lốc. Tại Việt Nam, trung bình, trẻ tiếp xúc truy cập mạng từ khi 9 tuổi, nhưng đến khoảng 13 tuổi mới được trang bị những kiến thức đầu tiên của việc dùng mạng xã hội. Có thể hình dung điều đó giống như việc chúng ta đã đẩy những đứa trẻ xuống nước sớm 4 năm trước khi chúng được học bơi. Nguy hiểm thật! Những “ dấu chân số”- lộ thông tin, của chúng trên mạng tiềm tàng những nguy cơ khôn lường trên một thế giới mạng đã không còn biên giới. Điều đó đặt ra những đòi hỏi, thách thức và cơ hội nào cho giáo dục?
Công nghệ sẽ là đồ chơi. Giờ học là một cuộc chơi. Giáo viên phải là người chơi cùng với học sinh của mình. Và luật chơi sẽ là nội dung kiến thức. Giáo dục phải được thực hiện bằng cảm hứng, đồng thời giúp học sinh khám phá, chiếm lĩnh tri thức và định hướng, lan tỏa cảm xúc tích cực, tạo dựng nhân cách, hình thành kỹ năng. Không thể có “ giáo dục đồng phục”; cần có sự giáo dục tôn trọng, thấu hiểu và phù hợp với từng cá nhân người học.
Cả hội trường chật kín các diễn giả khách mời khả kính, uyên bác, các nhà lãnh đạo tài năng, tâm huyết của hệ thống giáo dục Newton- Pascal, và các bậc phụ huynh với tình yêu và nỗi lo dành cho con em mình trật tự, tập trung sâu và một điểm đồng quy là lựa chọn nào cần, phù hợp cho con, cho thế hệ học sinh của kỷ nguyên công nghệ số. Và có lẽ, Newton là một trong những ngôi trường đi đầu trăn trở, nỗ lực kiếm tìm lời giải. Phần chia sẻ của cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Mận có lẽ đã phần nào giải tỏa những mong muốn, kiếm tìm của các bậc phụ huynh.
Cô Hoàng Mận đã có phần thuyết trình rất thu hút về bức tranh toàn cảnh hệ thống giáo dục Newton- Pascal và đặc biệt là của trường THCS- THPT Newton. Với 14 năm xây dựng và phát triển, Newton đã trở thành một địa chỉ tin cậy của phụ huynh học sinh thủ đô nói riêng và cả nước nói chung với triết lý giáo dục, sứ mệnh, tầm nhìn và những giá trị cốt lõi được xác định rõ ràng ngay từ khi khởi dựng và hoàn thiện, phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế qua quá trình phát triển. Các hệ học: Hệ song ngữ Mĩ, hệ Cambrige; Hệ Bán quốc tế đã khẳng định được chất lượng đào tạo và làm nên thương hiệu giáo dục Newton. Tuy nhiên, hệ học thứ tư được ra mắt năm nay: Hệ Chuyên Anh ICT là một thành tựu nghiên cứu nghiêm túc, công phu với bao tâm huyết của đội ngũ chuyên gia, đội ngũ làm chương trình của nhà trường. Và đây chính là tâm điểm chú ý của phụ huynh.
Hệ Chuyên Anh ICT được xây dựng trên nền tảng chương trình hệ Cambrige, và ưu tiên trang bị và phát triển năng lực tin học công nghệ cho học sinh. Chương trình sẽ đáp ứng được yêu cầu đào tạo một thế hệ công dân số thích ứng hiệu quả và làm chủ thế giới số trong kỷ nguyên công nghệ số.
Những câu hỏi trao đổi, thảo luận sôi nổi thể hiện sự quan tâm và tính cấp thiết của chương trình đối với nhu cầu của phụ huynh học sinh hiện nay. Và dù mới ra mắt nhưng ngay từ khi trường phát hành thông tin và đặc biệt sau khi hội thảo kết thúc đã có rất nhiều phụ huynh đăng ký cho con vào hệ Chuyên Anh- ICT. Có lẽ, đây sẽ là điểm nóng nhất của mùa tuyển sinh năm học 2023- 2024 của hệ thống giáo dục Newton- Pascal.