Môn Ngữ văn có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành năng lực thẩm mĩ, chiều sâu tâm hồn, khơi dậy sự nhạy cảm, tinh tế, dung dưỡng lòng nhân hậu cho học sinh. Nhưng đây cũng là môn học cần sự trải nghiệm sâu rộng của các con trong văn chương và cuộc đời. Để giúp học sinh có được những hiểu biết rộng rãi hơn về đời sống văn học, ngày 14 tháng 4 năm 2021, trường THCS-THPT Newton đã tổ chức cho học sinh khối 11 đến thăm Bảo tàng văn học Việt Nam.
Đây là một nhà bảo tàng lớn nằm ở ngõ 275 Âu Cơ, Quảng An, Tây Hồ-Hà Nội. Bảo tàng rộng 3000 m2, trưng bày hơn 4000 hiện vật quý giá về văn học Việt Nam qua các thời kì lịch sử. Bảo tàng văn học được xem là một “kho báu” giữa lòng thủ đô.
Học sinh khối 11 của trường THCS-THPT Newton có mặt ở bảo tàng vào 8h30 phút sáng. Có thể thấy rõ sự háo hức của các con từ lúc bước đi dọc theo ngõ nhỏ rợp bóng cây xanh, thoảng hương hoa và không khí mùa xuân tươi mát tràn ngập không gian.
Khuôn viên bảo tàng hiện ra trước mắt bề thế và ấm cúng. Đón các con học sinh Newton là hai cô thuyết minh viên trong tà áo dài truyền thống trang trọng. Có lẽ, đây là những thuyết minh viên đặc biệt nhất mà các con được gặp qua nhiều chuyến trải nghiệm. Sự chuyên nghiệp, kiến thức và thái độ ân cần của các cô đã thu hút các con ngay từ đầu chuyến thăm quan. Chỉ qua chi tiết nhỏ ấy, các con đã hiểu rằng thành công trong công việc không chỉ đến từ sự tài giỏi mà còn đến từ thái độ chân thành, thân thiện.
Các con đã được dẫn đường từ không gian văn học trung đại, tận mắt chiêm ngưỡng chân dung và tác phẩm của những nhà văn cổ điển tiêu biểu : Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm…Được tận mắt nhìn thấy lịch sử ngôn ngữ và văn học dân tộc hiện ra trên giấy dó, vải, gỗ, lá buông, nhìn cảnh thầy đồ dạy học, cảnh lều chõng đi thi, cảnh trạng nguyên bái tổ được tái hiện lại vô cùng sống động. Màu thời gian và nét cổ xưa của văn hóa dân tộc khiến các con lắng lại, suy ngẫm, cảm nhận.
Con đường văn chương dẫn các con đi qua giai đoạn giao thời của văn học dân tộc, với những Tản Đà, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng. Những câu thơ, trang văn tuyệt vời trong chương trình, với các con đã mang một ấn tượng mới, sâu sắc hơn, riêng tư hơn. Và tiếp nữa, các giai đoạn văn học cách mạng, văn học đương đại cũng được các con nhận thức trong bức tranh tổng thể, trong dòng chảy dào dạt của văn học dân tộc, kết tinh ở những tên tuổi chói sáng:Tố Hữu, Hồ Chí Minh, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Duy, Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng…Một bạn học sinh đã thốt lên đầy cảm khái “Con không ngờ văn học Việt Nam hoành tráng thế !”. Đó là một câu nói mộc mạc nhưng cho thấy tác động mạnh mẽ của những tư liệu quý giá đến nhận thức của học trò về văn học dân tộc.
Có một hoạt động rất lý thú cũng được học sinh đón nhận, đó là xem phim tài liệu về nhà thơ Tố Hữu. Các con vừa được học bài thơ Từ ấy và khi những vần thơ sôi nổi, tràn ngập niềm vui sướng, hạnh phúc của người thanh niên bắt gặp lý tưởng cách mạng được vang lên trên nền nhạc, khi những hình ảnh về xứ Huế- quê hương nhà thơ hiện lên trên màn ảnh đã đem lại cho các con thật nhiều cảm xúc. Chắc chắn, những vần thơ tràn đầy nhiệt huyết ấy sẽ đi vào tâm thức học trò một cách tự giác hơn, thấm thía hơn.
Ba giờ thăm bảo tàng trôi qua rất nhanh. Các con trở về trường và mang theo những tư liệu có được trong chuyến thăm quan. Buổi chiều, theo sự phân công của thày cô giáo bộ môn, các nhóm học sinh bài tập thu hoạch tại trường. Các con viết tiểu sử tóm tắt các nhà văn, làm video về các nhà văn đó, làm vi deo giới thiệu bảo tàng và chuyến trải nghiệm với phàn thuyết minh bằng tiếng Anh.
Khép lại một trải nghiệm văn học, những gì học sinh thu nhận được thật dồi dào. Không chỉ kiến thức, cảm xúc, kỹ năng hoạt động nhóm, khả năng sử dụng kỹ thuật multimedia vào sản xuất dự án, kỹ năng giao tiếp và tự kiểm soát của các con được củng cố đồng thời. Và sau cùng, các con được tận hưởng niềm vui bè bạn, được vui chơi sảng khoái trong một cuộc trải nghiệm lý thú, đầy ấn tượng./.
Đinh Thanh Huyền