NGẪM!
Tôi cứ lấn cấn mãi về những bài báo của báo Lao Động, Công Lý,…đưa tin về trường mình trong 3 ngày trở lại đây. Thay bằng lời cảm ơn những “ngòi bút tốt bụng” đang lên tiếng hay cũng là để “có bài viết cho mình”, tôi không thể im lặng thêm. Thiết nghĩ, bên cạnh những điều bé nhỏ ấy, liệu dư luận có nghĩ đến điều lớn lao? Bên cạnh những góc nhìn cá nhân có phần phiến diện ấy, dư luận có tự hỏi rằng cả một biển trời sự thật đằng sau ấy là gì? Và bên cạnh những góc nhìn ích kỷ ấy, liệu có hiểu những hi sinh thầm lặng của bao nhiêu con người không quản khó khăn, cùng nhau đưa ra mọi phương án đối phó với dịch bệnh, với cách ly, với nỗi lo lắng về việc học bị ngắt quãng của các con?
Các bạn hãy nhìn ra cả một trang sách của những ngày tháng đầu năm 2020. Trong bối cảnh cả thế giới đang gồng mình chiến đấu lại đại dịch covid -19, đất nước chúng ta cũng không phải ngoại lệ. Đảng và chính phủ kêu gọi sự chung tay, đoàn kết và tương trợ của mỗi công dân trong cuộc chiến này để sớm ổn định lại cuộc sống và công việc. Nhìn nhận thực tế hiện nay, trong muôn vàn nghĩa cử cao đẹp thì còn đó những con người cơ hội và lợi dụng dịch bệnh để làm giàu phi pháp, lợi dụng thông tin không xác thực để giật tít trên báo chí truyền thông.
Trước thông báo về việc nghỉ học kéo dài của các con trong thời kỳ chống dịch Covid-19, phản ứng nhanh của Trường Newton chúng tôi là áp dụng dạy học online cho học sinh, luôn tương tác với phụ huynh và học sinh một cách toàn diện nhất, việc làm đó đã được đánh giá rất cao và được dư luận khen ngợi rất nhiều trong thời gian qua. Mọi người có thể chỉ nhìn nhận một cách đơn giản nhưng với người trong nghề sẽ hiểu cái khó khăn của các thầy cô khi trực tiếp online với học sinh. Từ mô hình truyền thống là thầy trực tiếp giảng dạy trên lớp, học sinh có tương tác trực tiếp. Các thầy cô vô hình chung phải lên sóng, phải thay đổi phương pháp sao cho phù hợp, dễ hiểu và cũng là thật cuốn hút để học sinh có thể kiên trì ngồi xem từ đầu đến cuối. Học sinh học online, các thầy cô có vất vả hơn không? Câu trả lời của đội ngũ giáo viên chúng tôi là: “Có!”. Nhưng chúng tôi đều thiết nghĩ đó là khó khăn chung mà các thầy cô phải vượt qua lúc này để hoàn thành nhiệm vụ đưa con chữ tới học sinh của mình. Việc xây dựng giáo án, truyền đạt, lắng nghe phản hồi, hướng dẫn và tổng hợp kết quả, gần như thời gian là liên tục, nhưng với trách nhiệm với nghề, các thầy cô luôn tích cực và dành tâm huyết để các em dù phải ở nhà cách ly cũng sẽ vẫn lĩnh hội được kiến thức.
Trường Newton chúng tôi tuy chỉ thành lập 10 năm nhưng 10 năm qua nhà trường đã có được bảng thành tích chói lọi, sự ghi dấu phát triển không ngừng về quy mô cũng như chiều sâu. Sẽ không ở đâu các bạn thấy được, từ HĐQT cho tới đội ngũ BGH cùng chung tay xây dựng Bài giảng online cho học sinh, cùng góp ý cho giáo viên từ cách thiết kế pp cho đến lấy các ví dụ minh họa gần gũi nhất cho học sinh. Giảng dạy online, trò được học, các thầy cô cũng được học và trau dồi thêm kĩ năng mềm cho riêng mình. Từ đó, phụ huynh cũng được “dự giờ” trực tiếp các thầy cô – điều mà từ trước đến nay đâu hề có?
Có những ngày từ HĐQT, BGH cho tới đội ngũ giáo viên chúng tôi mải mê công việc mà quên ăn, quên giờ, nhìn ra trời đã tối, những cuộc họp rút kinh nghiệm có thể diễn ra vào chiều muộn để kịp thời khắc phục những bất cập, mọi việc làm ấy xuất phát từ cái tâm trong nghề, chứ không có bất cứ điều gì có thể so sánh được.
Nhưng thật buồn lòng! Không phải những nỗ lực đều được ghi nhận, những hi sinh thầm lặng đâu dễ nhận được lời khen. Tôi đã lặng đi khi đọc những tâm tình của chị Hoa – một đồng nghiệp đang cùng những lấn cấn tâm tư như tôi: “Ngôi trường này trước khi chọn tư cách là một doanh nghiệp thì đã chọn công việc là dạy học trò. Nên trong những bối cảnh phải lựa chọn thì trường luôn nghĩ đến học trò trước khi nghĩ đến doanh thu…. Trong lúc chúng tôi đều đang hồ hởi với những đóng góp nhỏ bé của mình cho học trò, cho cộng đồng thì thật buồn khi đọc được những bài báo với tiêu đề: “Trường Newton gửi thư ngỏ, phụ huynh vẫn không hài lòng” (báo Lao Động)”
Không chỉ riêng tôi mà bao đồng nghiệp khác cũng cảm thấy buồn lòng vì những “nghĩa cử gây bão” của báo chí. Thời gian gần đây một số cá nhân truyền đi, đăng tải những thông tin không chuẩn, với những tít báo khẳng định tiêu cực dựa trên một từ ngữ, rồi cắt xén nhằm bôi xấu hơn là đấu tranh cho cái tốt, hạ uy tín hơn là nói cho chính nghĩa, cái hay. Cá nhân tôi là một giáo viên trong trường cũng vô cùng bất ngờ, bởi giữa những miệt mài, tỉ mỉ, cẩn thận, chu toàn tới từng học sinh lại xuất hiện hình ảnh một số bài báo đưa ra những tin tức trái với chủ trương của HĐQT và BGH. Chúng tôi tự nguyện thì lại được cho là bị bắt ép, chúng tôi cố gắng thay đổi để tốt hơn, chia sẻ các phương án để phù hợp thì bị giễu cợt. Tôi mong: “Cần lắm một lời khen ngợi ngay lúc này” – giữa những lúc bộn bề của công việc, của những trăn trở trong nghề dạy chữ, giữa lúc bệnh dịch, chúng tôi ngày đêm không quản sức lực, trí tuệ, lắng nghe các con thắc mắc để giải đáp, bởi chúng tôi cũng là cha là mẹ, chúng tôi mang trên mình trách nhiệm cao cả của một nhà giáo, tại sao không dành cho chúng tôi một lời khen? Mà lại là vấn đề xoay quanh chữ “tiền”. Đúng là tiền quan trọng trong cuộc sống, nhưng tình cảm, trách nhiệm với học sinh, với những đứa con tinh thần của chúng tôi thì tiền làm sao so sánh được. Tại sao báo chí lại “giễu cợt” sự tự nguyện cống hiến của chúng tôi? Có thể đâu đó có những cá nhân chưa hiểu đúng nhưng từ đáy lòng mình, chúng tôi luôn đặt trách nhiệm, đạo đức lên trên hết, cái chúng tôi làm thì hãy để tương lai trả lời, để các thế hệ học sinh Newton nói lên tiếng nói khẳng định vị thế trong đất nước thân yêu này và thế giới rộng lớn ngoài kia. Tôi cũng có thể tự tin khẳng định từ đáy lòng mình, một ngôi trường vững mạnh và ắp đầy tình thương như Newton, chúng tôi chưa bao giờ phải buồn lòng, cũng chưa bao giờ ngừng cảm ơn những chăm lo mà HĐQT và BGH nhà trường vun đắp cho giáo viên. Một đồng nghiệp của chúng tôi đã thay mặt cho những ai mang trên mình vai trò làm nhà giáo trải lòng bằng một bài thơ, đó cũng là nỗi niềm, niềm tự hào khi được làm nghề cao quý:
Đất nước mình bé nhỏ vậy thôi em
Nhưng làm được những điều phi thường lắm
Bởi hai tiếng nhân văn được cất vào sâu thẳm
Bởi vẫn giữ vẹn nguyên hai tiếng đồng bào!
….
Từ mái trường này em sẽ lớn lên
Sẽ khắc trong tim bóng hình đất nước
Cô sẽ nối những nhịp cầu mơ ước
Để em vẽ hình Tổ quốc ở trong tim.
Nhớ nghe em, ta chẳng phải đi tìm
Một Đất nước ở đâu xa để yêu hết cả
Đảng đã cho ta trái tim hồng rạng tỏa
Vang vọng trong lòng hai tiếng gọi Việt Nam!
Ngày hôm nay sẽ là tiền đề cho ngày mai, hãy hướng đến những điều tốt đẹp nhất! Hãy nhìn vào những việc chúng tôi làm, hãy xem cách mà chúng tôi mang lại, ở Newton là vậy, luôn dốc hết lòng hết tâm với nghề! Và tôi tin, Newton đã và đang mang lại những gì tốt nhất cho học sinh và phụ huynh thân yêu của mình!
Hà Nội, ngày 20 tháng 2 năm 2020
Trần Thanh Hiên – Giáo viên Trường TH I-Sắc Niu-Tơn