William Edward: “Người thầy trung bình chỉ biết nói. Người thầy giỏi biết giải thích. Người thầy xuất sắc biết minh họa. Và người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng.”
Dạy học là một công việc mà hiệu quả của một tiết dạy, của một người thầy trực tiếp tạo ra hiệu quả của cả trăm ngàn, thậm chí hàng triệu… giờ học chất lượng của bao thế hệ học trò.
Ngôi trường Phổ thông liên cấp Newton được thành lập từ niềm khát khao cháy bỏng về một thế hệ công dân toàn cầu với đầy đủ phẩm chất và kỹ năng sống và thành công trong thời đại mới. Những người sáng lập đã hướng tới mục tiêu đào tạo: Mỗi học sinh là một nhà lãnh đạo tương lai. Thấm nhuần những nguyên lý giáo dục cốt tử, ấp ủ và không ngừng trăn trở về một môi trường giáo dục ưu việt nhất cho học trò, nhà giáo Lê Thị Bích Dung đã luôn hướng tới xây dựng một Ngôi trường truyền cảm hứng; để ở đó, mỗi giáo viên sẽ là những người thầy vĩ đại, dẫn dắt và trao truyền ngọn lửa đam mê cho các học trò.
Học trò sẽ được sống và học tập bằng tất cả những năng lượng tích cực được khai phóng bởi nguồn cảm hứng tuyệt vời lan tỏa bởi các thầy cô. Sự vĩ đại ấy có thể đến từ những điều vô cùng giản dị, thân thương. Tôi muốn nói đến một tiết học đặc biệt – Tiết học Truyền cảm hứng của chính Nhà giáo- Phó chủ tịch HĐQT Lê Thị Bích Dung với các học sinh lớp 6G0.
Là một giảng viên đại học, chuyên ngành Toán học, là người sáng lập và trực tiếp điều hành hệ thống giáo dục Newton suốt hơn 10 năm qua với biết bao thăng trầm, thử thách cùng biết bao thành tích đáng tự hào, không ai nghĩ rằng, cô Lê Thị Bích Dung trên bục giảng lại giản dị, gần gũi mà say sưa với khoa học, với trẻ thơ như thế.
Giờ học toán bắt đầu với một câu chuyện mà đứa trẻ nào cũng hào hứng, quan tâm; Người con được mười điểm tốt. Và mẹ cho lựa chọn 3 hình thức thưởng: 1. Mỗi điểm tốt 30K. 2. Điểm tốt đầu tiên đươc 20K, rồi tăng dần với các điểm sau đó: 25K, 30K, 35K,… 3. Điểm tốt đầu tiên đươc 1K, điểm tốt thứ 2 là 2K, các điểm tốt sau cứ tăng thưởng gấp đôi của thưởng điểm trước.
Chưa bao giờ, các tờ phiếu học tập lại ý nghĩa và quý giá như thế với các con. Chúng làm phiếu như thể ngay chiều nay về nhà là có thưởng vậy. Và một phần lý thuyết về các dãy số đặc biệt ( cấp số cộng và cấp số nhân)- của chương trình toán lớp 11 được các học sinh lớp 6 khám phá, hình thành một cách chủ động, tự giác, tự nhiên, vui vẻ như vậy.
Sau khi giúp các con tự hình thành kiến thức lý thuyết, cô Lê Thị Bích Dung lại dẫn dắt những đôi mắt trong veo, những tâm hồn thơ ngây bước vào thế giới của những câu chuyện cổ mà thực chất là những bài toán cổ đầy thông thái và thú vị; câu chuyện thưởng thóc với bàn cờ vua… Học sinh say sưa như tham gia một cuộc chơi mà càng chơi, càng hấp dẫn; hấp dẫn bởi phát hiện ra những kiến thức khoa học tuyệt vời, hấp dẫn bởi phát hiện ra bản thân mình thông minh đến thế!
Giờ học bất ngờ bước sang một trạng thái cảm xúc khác với video bom nguyên tử Mĩ ném xuống hai thành phố của Nhật Bản năm 1945. Với cách đặt vấn đề rất thực tế: Vì sao 2 quả bom nguyên tử có kích thước như 2 quả bom thường nhưng sức công phá lại gấp hàng trăm nghìn lần với 2 quả bom thường? Chỉ với hai trái bom nguyên tử đã làm nhà cửa, vật chất, tính mạng con người của 2 thành phố Hirosima và Nagasaki đã bị phá hủy một cách thảm khốc. Và đặc tính tăng dần sức công phá theo cấp số nhân của phản ứng hạt nhân- một ứng dụng từ lý thuyết cấp số đặc biệt – cấp số nhân đã được học sinh nhận thức và hình dung không chỉ bằng trí tuệ mà còn với thật nhiều cảm xúc. Và chắc chắn ở đây, học trò cũng sẽ có cho mình những lựa chọn thái độ sống, trách nhiệm trước khoa học chân chính và cuộc sống tươi đẹp. 45 phút của một tiết học trở nên ngắn ngủi đã trôi qua trong sự tiếc nuối của học trò và người dự, thời lượng kết thúc mà dư âm và cảm xúc còn ám ảnh và đọng mãi trong tâm hồn mỗi người.
Cô Lê Thị Bích Dung đã cùng học sinh đem kiến thức khoa học gắn vào thực tế cuộc sống. Cô đã đặt nhiệm vụ khám phá, phát hiện tri thức khoa học vào bàn tay và khối óc học trò. Cô đã truyền cảm hứng để khơi dậy những khả năng trí tuệ tuyệt vời nơi người học. Cô đã đem đến cho các con những cảm xúc; lúc kìm nén, lúc trào dâng. Cô đã không chỉ cho các con một tiết học hay mà còn cho các con 45 phút sống thật sâu và vô cùng ý nghĩa.
Cách đây 11 năm, cô Lê Thi Bích Dung đã khởi xướng xây dựng ngôi Trường Newton, một trong những ngôi trường hiện đại bậc nhất Thủ đô . Và trong những ngày của tháng 11 vinh danh nghề dạy học này, chính cô lại giản dị bước lên bục giảng khởi xướng một điều vĩ đại: đem đến cho học trò những tiết học truyền cảm hứng, để xây dựng ngôi trường truyền cảm hứng Newton.
Cơ sở vật chất hay những hoạt động giáo dục là những yếu tố có thể nhìn thấy để nhận diện chất lượng một môi trường giáo dục hiện đại. Nhưng cảm hứng sáng tạo vì học trò của tập thể giáo viên Trường Newton được khơi nguồn từ người thuyền trưởng tài tâm Lê Thị Bích Dung thì chỉ có thể cảm nhận bằng những trái tim cùng nhịp đập thương yêu và khát khao tận hiến vì những thế hệ học trò để nhận diện một ngôi trường hạnh phúc.
— HOA QUÝ—